Bắt đầu từ chiều nay 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Nổi lên trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng là việc nhà ở xã hội vừa cao, vừa thiếu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên chất vấn. Ảnh QUANG PHÚC
Là người đầu tiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM), cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa. Do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án. Trong khi đó, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.
“Trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?”, ĐB Nguyễn Thị Lệ chất vấn.
ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu thì chưa được như mong muốn: mới đạt 7,79 triệu m2 so với kế hoạch 12 triệu m2; nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.
Những tồn tại, hạn chế là: quy định pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhất là Luật Nhà ở; trình tự, thủ tục đầu tư, xác định giá nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư; thực hiện việc bố trí nguồn vốn (Ngân hàng Chính sách xã hội mới bố trí được 35% vốn so với yêu cầu, cấp bù lãi suất chưa được bố trí); một số địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, từ đó chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất nhà ở xã hội; chưa quyết liệt trong tháo gỡ thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho đầu tư… Những nguyên nhân trên khiến nguồn cung chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3-11-2022. Ảnh: QUANG PHÚC
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện quy định liên quan đến nhà ở, nhà ở xã hội để tăng cung thông qua sửa Luật Nhà ở, Luật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để tháo gỡ vướng mắc; tập trung triển khai đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội. Đồng thời, các địa phương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Cùng quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), đặt vấn đề, nhà ở xã hội hướng đến người có thu nhập thấp, giá rẻ. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện khi giá nhà ở xã hội cao so với thu nhập, trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2. Nguyên nhân đến từ đâu? Giải pháp đưa giá nhà ở xã hội phù hợp khả năng người có thu nhập thấp và bao lâu?
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược đến năm 2020 là chưa đạt, do giá nhà ở xã hội đang ở mức cao. Nguyên nhân là do chưa đảm bảo nguồn cung; quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội hạn chế; vốn cho phát triển nhà ở xã hội chưa đảm bảo, chính sách ưu đãi chưa thu hút doanh nghiệp; quy trình, thủ tục tổ chức thực hiện còn phức tạp…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tái khẳng định giải pháp sẽ sửa đổi quy định pháp luật để tạo điều kiện tăng thêm nguồn cung; có chính sách ưu đãi, đặc biệt là thực hiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội nhằm cố gắng đáp ứng nhu cầu, giá nhà phù hợp với người thu nhập thấp, công nhân công nghiệp.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn. Ảnh QUANG PHÚC
Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về xu thế phát triển thị trường bất động sản thời gian tới như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phân tích, thị trường bất động sản hiện nay còn một số hạn chế: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai còn bất cập; đầu tư xây dựng dự án khó khăn khiến nguồn cung giảm; dự án mới hoàn thành còn hạn chế; cơ cấu sản phẩm bất hợp lý, thiếu nhà ở xã hội, công nhân, thu nhập thấp; giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập dân…
Việc kiểm soát dòng vốn vào bất động sản chưa chặt chẽ, rủi ro; cơ cấu vốn chủ yếu dựa ngân hàng, trái phiếu, vốn khác chỉ chiếm 15-30%; chưa có nguồn cung vốn dài hạn; thị trường hoạt động thiếu công khai minh bạch…
Từ thực tế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dự báo, thời gian tới, thị trường tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng chưa phù hợp… Tuy nhiên, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đúng mục đích, tạo điều kiện cho vay đúng quy định pháp luật để tạo điều kiện tăng cung, ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, công nhân, trung bình; sự phối hợp đồng bộ hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thì thị trường sẽ dần ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.