Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có một số trường hợp sau khi được sở hữu nhà ở xã hội, vì nhiều nguyên nhân, người sở hữu muốn bán lại cho người nước ngoài và thực tế là gặp nhiều khó khăn. Vậy, nhà ở xã hội có bán được cho người nước ngoài hay không?
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Pháp luật về nhà ở không có quy định được bán lại nhà ở xã hội cho cá nhân nước ngoài kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán cho các đối tượng có nhu cầu.
Nhà ở xã hội có được bán lại với giá thị trường?
Cũng theo Bộ Xây dựng, quy định của pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp trong thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó, trường hợp bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định, với giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.
Như vậy, người mua, thuê mua nhà ở xã hội được bán lại cho các đối tượng có nhu cầu theo cơ chế thị trường (không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở) sau thời hạn 5 năm khi bảo đảm các quy định nêu trên.