Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách nhà ở xã hội rất nhân văn, Nhà nước bảo đảm an sinh cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động, bảo đảm người có thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở xã hội. Hệ thống chính sách về nhà ở xã hội đã xác định rõ ràng, công khai, minh bạch tiêu chí người mua nhà, tránh trục lợi chính sách. Mỗi người đủ tiêu chí thì chỉ được mua 1 căn.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương có hiện tượng trung gian, cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua - bán, trục lợi chính sách, không thực hiện đúng chính sách về nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương có hiện tượng trên rà soát, kiểm tra để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu phát hiện trường hợp bán sai cho người không đúng đối tượng được mua nhà thì phải thu hồi.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thứ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh chỉ đạo việc thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, không để xảy ra sai sót như vừa qua, kiên quyết thu hồi nếu bán không đúng đối tượng. Các địa phương cần thực hiện đúng tiêu chí nhà ở xã hội, nắm bắt rõ thông tin từng dự án nhà ở xã hội, tuân thủ quy định nhà ở xã hội chỉ được bán sau 5 năm.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu.
Đối với vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, theo Thứ trưởng, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng. Ví dụ các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu)…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Về nguồn cung thuốc trên thị trường, Thứ trưởng khẳng định, hiện nay cũng đã cơ bản đảm bảo được. Thời gian tới để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.
Chính phủ cũng đã đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, sẽ có trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Về bảo đảm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7. Vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao còn đủ sử dụng đến tháng 8, vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9. Vaccine sởi, vaccine sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7; vaccine uốn ván và bại liệt tiêm hiện còn đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Vaccine nhập khẩu 5 trong 1 đã đủ dùng đến đầu năm 2023 (do đây là vaccine nhập khẩu, năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia).
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp cùng với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách Trung ương năm 2023 mua vaccine theo quy định như những năm trước đây. Hiện, Bộ Y tế đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh thành và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định.
“Bộ Y tế và các bộ ngành đang triển khai quyết liệt để bảo đảm đủ cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.