Đi từng ngõ, hướng dẫn từng nhà
Những ngày qua, gia đình ông Lý Triệu Hưng (ngụ phường Tam Bình, TP Thủ Đức) đang sửa chữa căn nhà cấp 4, mở lối thoát hiểm phía sau và lên nóc nhà, trang bị thêm thiết bị chữa cháy để đảm bảo các yêu cầu về PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Căn nhà cấp 4 của ông rộng hơn 100m², mái lợp tôn, vừa là nơi ở vừa là cơ sở sản xuất trà khô. Phần phía trước của căn nhà được sử dụng làm nơi để các bao trà nguyên liệu và các gói trà thành phẩm, phía sau là hệ thống máy móc dùng để sấy trà, phần gác lửng phía trên là nơi ngủ nghỉ của cả gia đình. Đánh giá căn nhà của gia đình ông Hưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC, lực lượng Công an phường Tam Bình đã cử các tổ công tác đến tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Sau khi được chính quyền địa phương, công an phường tuyên truyền các quy định về PCCC, ông Hưng đã làm hồ sơ xin phép sửa chữa nhà theo hiện trạng nhằm mở cửa thoát hiểm phía sau, lối thoát hiểm từ gác lửng thông lên nóc nhà để đề phòng rủi ro. “Tôi đã mua thêm bình chữa cháy mini, thay thế hệ thống dây điện và bắt nổi trên tường chứ không âm tường như trước”, ông Hưng nói.
Tương tự cơ sở của ông Hưng, các cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn phường Tam Bình cũng được công an phường thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở về việc đảm bảo các quy tắc PCCC.
Thiếu tá Đinh Văn Đức, Phó trưởng Công an phường Tam Bình, cho hay, sau khi TPHCM triển khai cao điểm tuyên truyền, kiểm tra PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, công an phường đã thành lập tổ công tác đến từng cơ sở để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành các quy định, nâng cao ý thức về PCCC. “Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn phường chưa xảy ra sự cố cháy nổ liên quan đến nhà ở kết hợp kinh doanh”, Thiếu tá Đinh Văn Đức thông tin.
Cũng là địa bàn có số lượng nhà ở kết hợp kinh doanh lớn, phường 17, quận Phú Nhuận đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nâng cao ý thức người dân trong việc phòng cháy và xử lý bước đầu các sự cố cháy nổ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trâm, Chủ tịch UBND phường 17, quận Phú Nhuận, trên địa bàn đa số là nhà ống có chiều ngang hẹp, đấu đuôi vào nhau nên việc mở cửa thoát hiểm phía sau rất khó khăn. Do đó, phường khuyến khích và hướng dẫn người dân mở lối thoát hiểm lên sân thượng cũng như trang bị bình chữa cháy mini, để dụng cụ thoát hiểm ở nơi dễ nhìn thấy.
Nâng cao ý thức người dân
Bà Nguyễn Thị Thanh Trâm cho hay, địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn sử dụng bình chữa cháy, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nguồn điện, đặc biệt là an toàn trong sử dụng bếp gas, đảm bảo an toàn lưới điện… Kết quả từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường chưa có vụ cháy nào liên quan đến nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy ý thức phòng cháy của người dân đã có những chuyển biến tích cực”, bà Trâm nhận định.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TPHCM, cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 149.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đầu năm 2022, Phòng PC07, Công an TPHCM đã tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh của công an phường, xã, thị trấn.
Kết quả cho thấy, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC của chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được nâng lên, nhiều người dân đã tự trang bị các bình chữa cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho gia đình. “Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình cháy trên địa bàn TPHCM tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021 trên cả ba tiêu chí số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm khẳng định.
Tuy nhiên, một vài nơi vẫn còn tư tưởng ỷ lại công tác PCCC là trách nhiệm của riêng lực lượng công an và Cảnh sát PCCC, công tác triển khai thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, còn mang tính hình thức, đối phó. Do đó, PC07 phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, nâng cao nhận thức trách nhiệm về chủ động PCCC của chính quyền địa phương và người dân đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.