Chính phủ vừa trình Quốc hội gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dành khoảng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 4 triệu lao động có quan hệ lao động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế trọng điểm. Đây là việc làm hết sức cần thiết, giúp công nhân bớt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính toán giải pháp căn cơ hơn.
Cần thiết nhưng chưa công bằng
Chị Bùi Kim Thành (làm việc tại một công ty giày da ở KCX Linh Trung I, TPHCM) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm qua, công ty của chị tạm ngưng hoạt động nên chị phải nghỉ việc một thời gian. Dù đã trở lại làm việc được vài tháng nay, nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn rất chật vật, nhất là khi cuối tháng 9-2021, chồng chị qua đời vì mắc Covid-19, để lại 2 con. “Hiện lương công nhân của tôi ở mức 5-6 triệu đồng/tháng, hàng tháng phải chi trả tiền thuê nhà trọ, điện nước và nuôi 2 con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nghe thông tin sắp tới Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, tôi rất vui”, chị Kim Thành bày tỏ.
Trong khoảng 6.600 tỷ đồng Chính phủ dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, có khoảng 400.000 lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người; 3,6 triệu lao động đang làm việc trong các DN được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. |
Chị Võ Thị Hà, chủ nhà trọ số 525/21, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TPHCM, cũng chia sẻ, trong giai đoạn căng thẳng vì dịch Covid-19, nhiều công nhân vẫn chấp nhận ở lại TPHCM, trong đó có những người làm tình nguyện viên tham gia chống dịch. Vì vậy, chị Hà mong gói hỗ trợ tiền nhà ở cho công nhân sớm được ban hành và không phân biệt công nhân làm việc bên ngoài hay bên trong KCN, KCX. Bởi vì, tất cả công nhân đều có sự đóng góp cho sự phát triển của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung và bây giờ họ đều gặp khó khăn giống nhau.
Đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động (NLĐ), nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn gói hỗ trợ này chưa thể bao phủ hết công nhân, NLĐ, dẫn đến chưa đảm bảo công bằng. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân dù nhiều hay ít đều rất cần thiết, giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ mà Chính phủ trình Quốc hội dự kiến chi hỗ trợ cho công nhân có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các KCN, KCX, khu kinh tế trọng điểm là chưa đảm bảo sự công bằng giữa các công nhân, nhất là công nhân ở TPHCM. Bởi vì, tại TPHCM, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở bên ngoài các KCN, KCX rất nhiều, tương ứng theo đó có rất nhiều công nhân. Những người này không đáp ứng được điều kiện nhận hỗ trợ. Ngay cả trong các KCN, KCX, số công nhân làm thời vụ không có hợp đồng lao động cũng rất đông, họ không được hỗ trợ cũng là điều chưa công bằng. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.
Dẫn chứng cụ thể, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, thông tin, ở TPHCM có 4 triệu lao động, nhưng lao động có giao kết hợp đồng lao động chỉ khoảng 2 triệu người. Trong số đó, có 400.000 lao động làm việc trong các KCN, KCX, khu công nghệ cao, còn lại là công nhân ở các doanh nghiệp ngoài KCN, KCX. Do đó, theo nội dung Chính phủ trình Quốc hội, đối tượng được nhận hỗ trợ là NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các KCN, KCX, khu kinh tế trọng điểm là chưa tính hết những trường hợp công nhân gặp khó khăn trong xã hội. Việc này tạo ra sự không công bằng.
Ổn định lâu dài
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy nhận xét, chính sách Chính phủ đưa ra nghiêng về hỗ trợ trực tiếp, chưa đảm bảo sự ổn định lâu dài dành cho lực lượng công nhân. Mặt khác, khi hỗ trợ tiền thuê nhà trực tiếp thì phải xét chọn, thẩm định người được hỗ trợ, tổ chức phát tiền cho NLĐ nên sẽ thêm gánh nặng cho địa phương. Chưa kể, chính sách cấp phát tiền sẽ phù hợp hơn trong tình huống cứu đói, cứu trợ khẩn cấp. Còn trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành gói hỗ trợ này không còn phù hợp, cần thay bằng phương thức khác để hỗ trợ về chỗ ở cho NLĐ. Cụ thể là phương thức hỗ trợ vốn vay để NLĐ mua nhà ở ổn định, hay hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu lưu trú công nhân, nhà ở xã hội, sửa chữa cải tạo nâng cấp nhà trọ…
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ về chính sách thuế, thủ tục hành chính liên quan đến chính sách nhà ở cho NLĐ, dành tỷ lệ đất nhất định ở các khu vực có đông nhà máy, xí nghiệp để doanh nghiệp đầu tư hoặc chính quyền địa phương đầu tư rồi cho NLĐ thuê, hoặc doanh nghiệp thuê cả khu phục vụ nhu cầu đời sống của NLĐ. “Những chính sách này mang tính lâu dài và thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển, nâng cao tỷ suất đầu tư của xã hội. Từ đó, góp phần kích thích kinh tế”, bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Đặng Hiến đề xuất Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài giúp doanh nghiệp giữ chân NLĐ và công nhân yên tâm gắn bó với công việc. Đó là tại các KCN, KCX bố trí quỹ đất để xây nhà lưu trú cho công nhân dựa trên nguồn quỹ Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ở ngoài KCN, KCX, Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, có chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, cũng như đơn giản hóa tối đa thủ tục xây dựng nhà ở để doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân. “Không ai lo cho công nhân bằng chính chủ doanh nghiệp. Với gói hỗ trợ này, Chính phủ cần chia làm 2 gói nhỏ; bao gồm một gói hỗ trợ trực tiếp tiền thuê nhà cho công nhân, một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú cho công nhân”, ông Nguyễn Đặng Hiến kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội TRẦN KIM YẾN, Bí thư Quận ủy quận 1, TPHCM: Nên hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà cho công nhân Gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân mà Chính phủ trình Quốc hội rất quan trọng, vì trong thời gian dài vừa qua, do dịch Covid-19 ảnh hưởng, nhiều công nhân không được làm việc, không có thu nhập. Gói hỗ trợ này sẽ động viên công nhân tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, góp phần tạo sản phẩm cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính toán giải pháp căn cơ hơn. Hiện nay, Chính phủ và các tỉnh, thành đã quan tâm vấn đề này, như xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động thu nhập thấp. Thực ra, ở TPHCM nhiều năm qua đã thực hiện nhưng với nội lực của thành phố, kết quả chưa đạt yêu cầu. Số doanh nghiệp có điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân chưa được nhiều. Do đó, điều quan trọng là chính sách khuyến khích của Trung ương, các địa phương hỗ trợ về đất, về vốn để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân của họ. Bên cạnh đó, cần có một số chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ. Bởi vì, nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp chưa thể đáp ứng hết yêu cầu xây nhà cho công nhân thì những người dân có đất, có điều kiện xây dựng nhà trọ cho thuê cần được khuyến khích; nhưng cũng phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để họ đầu tư nâng cấp nhà trọ, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người ở trọ. Đại biểu Quốc hội NGUYỄN MINH HOÀNG, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM: Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà Hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân là rất đúng đắn, nhằm hỗ trợ công nhân có điều kiện tiếp tục cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng việc chỉ hỗ trợ 4 triệu lao động có quan hệ lao động trong các KCN, KCX, khu kinh tế trọng điểm là còn hạn chế. Chỉ tính riêng ở TPHCM, người có quan hệ lao động chính thức là 2 triệu người, nhưng theo điều kiện mà Chính phủ đề xuất thì chỉ có khoảng 400.000 người được thụ hưởng. Do vậy, khi tính đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động thuê nhà ở và thuê phòng trọ, Chính phủ cần mở rộng đối tượng thụ hưởng để tránh sự so sánh giữa lao động trong KCN, KCX, khu kinh tế trọng điểm với lao động ở bên ngoài và khu vực phi chính thức. Bởi vì, chưa hẳn người lao động trong KCN, KCX, khu kinh tế trọng điểm có hợp đồng lao động khó khăn hơn người lao động đang làm việc bên ngoài hoặc khu vực phi chính thức. |