Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nhà nước đầu tiên của dân, do dân, vì dân

Nhà nước đầu tiên của dân, do dân, vì dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á.

  • Một bộ máy Nhà nước kiểu mới

Trong suốt quá trình tìm đường cứu nước, thực chất là tìm cách lật đổ nhà nước thực dân phong kiến áp bức, Hồ Chí Minh có dịp tiếp xúc với các loại hình nhà nước ở khắp năm châu. Người tìm hiểu, nhận xét, phê phán, suy ngẫm... để cuối cùng hình thành ý tưởng xây dựng một Nhà nước pháp quyền kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân, vì dân khi nước nhà độc lập.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân đồng nghĩa với Nhà nước của dân tộc Việt Nam, của đại đoàn kết dân tộc. Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa I, Người trịnh trọng tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”.

Nhà nước đầu tiên của dân, do dân, vì dân ảnh 1

Chính phủ dân chủ cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ làm Chủ tịch được thành lập và ra mắt quốc dân.

Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (1946) do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, ngay từ Điều 1 đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp”.

Lòng dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thước đo uy tín, hiệu lực và độ bền vững của Nhà nước và chế độ. Người tiếp thu tư tưởng của người xưa “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân ...” và “dân là nước, nước có thể đẩy thuyền và có thể lật thuyền”.

Nếu yên dân, dân tin yêu thì không sức mạnh nào từ bên trong và bên ngoài có thể phá hoại chế độ, lật đổ Nhà nước. Xem lại Hiến pháp 1946, Hiến pháp do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, chúng ta thấy rất rõ tư tưởng Hiền chính của Người phản ảnh đầy đủ những nội dung Nhà nước của dân trong việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

- Quốc hội: tức “Nghị viện Nhân dân”, Hiến pháp 1946 tuyên bố: Nghị viện Nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Đ.22) ...” giải quyết mọi việc chung cho toàn quốc” (Đ.23). Nghị viện có Ban Thường vụ để giải quyết công việc giữa 2 kỳ họp, đặc biệt để thường xuyên “kiểm soát và phê bình Chính phủ” (Đ.35).

Như ta đã biết Quốc hội Khóa I do tổng tuyển cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu, tuy Quốc hội ở vị trí cao nhất nhưng không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Nhân dân mới là nơi tập trung tất cả quyền lực, Nhân dân còn ở vị trí cao hơn Quốc hội, “những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra Nhân dân phúc quyết nếu 2/3 tổng số Nghị viện đồng ý” (Đ.32).

- Chính phủ: theo Hiến pháp 1946, là cơ quan hành chính cao nhất của Quốc gia, Hiến pháp quy định mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ như một cơ chế phối hợp và kiểm soát. Hiến pháp bảo đảm một nền hành pháp mạnh, phân nhiệm cao cho hành pháp.

- Ủy ban hành chính và Hội đồng nhân dân: Hiến pháp 1946 ghi rõ “Hội đồng Nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình” (Đ.59). Về Ủy ban hành chính, theo Hiến pháp 1946 thì: “UBHC. (a) thi hành mệnh lệnh của cấp trên, (b) có trách nhiệm thi hành các Nghị quyết của HĐND địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y ...” (Đ.59).

Qua điều này, ta thấy UBHC có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ theo thứ tự trước sau và HĐND chịu sự “giám hộ hành chính” đối với các nghị quyết của mình. Việc tổ chức HĐND gọn nhẹ và thiết thực phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, truyền thống... cho nên HĐND chỉ thiết chế ở cấp tỉnh và cấp xã. Đúng là Nhà nước của dân tổ chức gọn nhẹ, thiết thực không bày vẽ nhiều ban bệ tốn kém tiền của nhân dân!

  • Một Nhà nước do dân

Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Chính phủ lâm thời (3-9-1945) nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, gồm 6 điểm trong đó có việc “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để có một Chính phủ của nhân dân, do dân thành lập, Chính phủ hợp hiến.

Ý tưởng tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu, sau đấy Quốc hội sẽ xây dựng và ban hành Hiến pháp, tuân theo quy định của Hiến pháp để hình thành một Nhà nước hợp hiến. Ý tưởng nếu một Nhà nước không có Hiến pháp là Nhà nước không dân chủ đã được Người tiếp thu có chọn lọc tư tưởng về Nhà nước dân chủ và pháp quyền của các tư tưởng tiến bộ của thời đại. Sự thành lập bộ máy Nhà nước do tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Nhà nước của dân tộc ta.

Chính sách bầu cử, ứng cử, vấn đề cốt tử của tính hợp hiến về hình thành bộ máy Nhà nước, tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn là những chuẩn mực của việc xem xét một bộ máy chính quyền thật sự là của dân hay không do dân thành lập. Trong bài viết về ý nghĩa tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “...

Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử ... do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử Chính phủ. Chính phủ đó là của toàn dân”.

Qua chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, người đứng đầu Nhà nước, là một bằng chứng hùng hồn về một Nhà nước vì dân. Khi được Quốc hội tín nhiệm, bầu vào vị trí cao nhất của Nhà nước, Người đã trả lời các nhà báo: “...Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận ...”. Người đề ra mục tiêu rất rõ ràng:

“1 – Làm cho dân có ăn.
2 – Làm cho dân có mặc.
3 – Làm cho dân có chỗ ở.
4 – Làm cho dân có học hành.”

Đây cũng chính là ham muốn duy nhất, ham muốn tột cùng của cả một đời vì dân, vì nước của Người. Người căn dặn cán bộ, những người làm “công bộc” cho dân: “... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh...”. Người để nhiều tâm sức giáo dục cán bộ, ra sức làm trong sạch bộ máy Nhà nước, làm cho nó thực sự là một Nhà nước vì dân. Người thấy trước những nguy cơ gắn liền với quyền lực, đó là các bệnh quan liêu, tệ tham ô, lãng phí...

Bằng những lời kêu gọi, những bức thư như “Gửi các đồng chí Bắc bộ” (1947), bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (1952), Người nghiêm khắc cảnh cáo: “... Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Dựa trên nền tảng truyền thống dân tộc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê Nin một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc những thành tựu về Tổ chức Nhà nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức và xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân một Nhà nước pháp quyền kiểu mới của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
Hồ Chí Minh Toàn tập; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2000; Tập 4; Tr: 133, 145, 147 

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục