Kỷ niệm 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2006)

Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước rất phong phú và hiện đại, đặc biệt là tư tưởng của Người về xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân.

  • Bao nhiêu quyền hạn đều của dân!

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Sau khi nước ta giành được độc lập, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Trong nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng trên ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân theo ý nghĩa đúng đắn của từ này.

Nhà nước của dân, do dân, vì dân ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại ngôi nhà quê nội ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961).

Nhưng có những “vị đại diện” đã lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân, sinh ra lộng quyền, cửa quyền… Chính cơn khát quyền lực ấy đã đẻ ra biết bao chuyện đau lòng mà Bác Hồ từng phê phán: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

Nhà nước do dân là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động; nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Nghĩa là khi các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn nó.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân được. Đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính.

  • Cán bộ vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ của dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh…”. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Đến đây, nảy sinh mối quan hệ giữa người chủ nhà nước là nhân dân với người cán bộ nhà nước là công bộc của dân, do dân bầu ra, được nhân dân ủy quyền. Trong các chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức nhân dân; viên chức, quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưỡi cổ dân.

Trong chế độ dân chủ, Bác Hồ đã lật ngược mối quan hệ đó. Người nói: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Bác Hồ nhiều lần kéo các quan chức từ hàng “dân chi phụ mẫu” xuống hàng đầy tớ. Hai chữ “đầy tớ” Người dùng gốc từ hai chữ “công bộc”, vốn có nghĩa là người phục vụ chung của xã hội cũng là một cách dùng để chỉ hàng ngũ quan lại, dưới chính thể phong kiến hay tư sản đều có dùng, chứ không hề có ý miệt thị các chức vụ này.

Nhưng đối với cán bộ nhà nước, Bác Hồ không bao giờ chỉ nhấn mạnh một vế. Là người phục vụ, cán bộ nhà nước đồng thời là người lãnh đạo, người hướng dẫn của nhân dân. Người nói: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”. Trong Di chúc, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Có ý kiến cho rằng: đã là đầy tớ thì lãnh đạo sao được? Mới nghe qua tưởng như đây là một nghịch lý, nhưng thực ra không có gì mâu thuẫn. Phải hiểu ý Bác Hồ. Là người đầy tớ thì phải trung thành, tận tụy, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ… Là người lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài… Như vậy, để làm người thay mặt dân phải gồm đủ cả đức và tài, phải vừa hiền lại vừa minh.

(Theo tài liệu của Hội đồng TƯ chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh)

Mười “tiên đoán” lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng thành văn và cả tư tưởng truyền miệng đều nói đến những nhà tư tưởng lớn có khả năng “tiên tri tiên lượng” về thời cuộc, về thế sự,… như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi... Họ đã được nhân dân tôn vinh như những vị thánh. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bộc lộ khả năng như vậy.

  • Về các sự kiện lớn trên thế giới

1. Chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ cùng với chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Việt Nam tạo thành sức mạnh đánh bại chủ nghĩa thực dân phong kiến....

Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết trong bài “Phong trào Cộng sản quốc tế” đăng trong tạp chí La Revue Communiste số 15 đã tiên đoán “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn ở châu Âu. Chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ cùng với chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Việt Nam tạo thành sức mạnh tổng hợp vừa mang tính dân tộc vừa mang tính thời đại. Sức mạnh đó sẽ đánh bại chủ nghĩa thực dân phong kiến xây dựng nước Việt Nam độc lập và chủ nghĩa xã hội”.

Lịch sử cách mạng VN hiện đại cho thấy tiên đoán đó đã thành sự thật.

2. Nước Trung Hoa sẽ trở thành nhà nước cộng sản và sẽ bắt tay với Liên Xô.

Cũng trong bài viết trên, từ năm 1921, Người tiên đoán: “Sự thành lập chính quyền của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên ở phía Nam đã hứa hẹn với chúng ta một nước Trung Hoa được tổ chức lại và vô sản hóa… trong một tương lai gần đây,… nước Trung Hoa mới và nước Nga công nhân sẽ nắm tay nhau trong tình hữu nghị để tiến lên vì lợi ích của nền dân chủ và nhân đạo”.

20 năm sau, tiên đoán đó đã thành hiện thực.

3. Chiến tranh thế giới lần thứ II và cuộc tiến công của chủ nghĩa tư bản vào nước Nga Xô-viết.

Tháng 3 năm 1924 viết bài đăng trên Tập san Inprekorr, Nguyễn Ái Quốc đã viết: ‘Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản”.

17 năm sau, năm 1941 lời tiên đoán đó thành hiện thực.

4. Lò lửa chiến tranh sẽ nổ ra ở Thái Bình Dương và Đông Dương sẽ bị bần cùng, giảm sút dân số...

Tháng 4 năm 1924 cũng bài đăng trên tạp chí nêu trên, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Vì đã trở thành trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương tương lai sẽ trở thành lò lửa của chiến tranh thế giới mới và giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh” và “để làm cho các thuộc địa đó cũng trở thành “có ích” cho chính quốc. Nếu dự án được thực hiện, thì nhất định là Đông Dương sẽ lâm vào tình trạng giảm sút dân số và bần cùng”.

Gần 20 năm sau lời tiên đoán đó đã xảy ra. Và ở nước ta vào năm 1945, hàng triệu người đã bị chết đói do phát xít Nhật vơ vét hết lương thực cung ứng cho chiến tranh.

5. Hítle tấn công Liên Xô và sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Tháng 6–1940 khi phát xít Đức đã chiếm nước Pháp và một số nước châu Âu, Nhật chiếm Trân Châu cảng của Mỹ và hất cẳng Anh, Pháp ra khỏi các thuộc địa ở Thái Bình Dương, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Ngày Hítle tấn công liên bang Xô-viết sẽ trở thành ngày bắt đầu diệt vong của chủ nghĩa phát xít Đức. Có thể nói một cách chắc chắn rằng chiến tranh đế quốc lần thứ nhất dẫn đến việc thành lập liên bang Xô-viết thì lần này chủ nghĩa phát xít sụp đổ sẽ dẫn đến thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước khác”.

Lời tiên đoán đó 4 năm sau thành hiện thực.

  • Về các sự kiện lớn cách mạng nước ta

6. Năm 1945 nước Việt Nam độc lập.

Tháng 2 năm 1942 trong bài thơ “Lịch sử nước ta” Hồ Chí Minh viết: “1945 Việt Nam độc lập”. Ba năm sau, tháng 9-1945 Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

7. Kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hồ Chí Minh đã tiên đoán rằng đế quốc Mỹ sẽ xâm lược Việt Nam.

Ngày 12-4-1999 nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí: “Bác Hồ – Nhà tiên tri”. Đại tướng cho biết: “Khi gặp tôi sau chiến thắng, Bác nói: Chiến thắng Điện Biên Phủ đáng mừng, nhưng chú hãy nhớ, đây mới là bắt đầu - bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ta còn phải đánh Mỹ...”.

Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mỹ đã hùng hổ đem quân xâm lược VN.

8. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi và thắng lợi vào khoảng năm 1975.

Trong Di chúc viết 15-5-1965 có câu: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”.

Mấy năm nữa có nghĩa là trong vòng 10 năm trở lại, tức là nhiều lắm là 1975.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kể lại rằng: “Trong bản thảo diễn văn nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 15 nước Việt Nam Dân chủ Cộïng hòa, ngày 2-9-1960, Bác viết: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”.

9. Mỹ sẽ đem B52 đánh phá Hà Nội, và sẽ chịu thua trên bầu trời Hà Nội.

Hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – không quân Việt Nam viết, vào năm 1967, Bác Hồ đã nói với ông: “Sớm muộn gì thì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua”. Bác khẳng định dứt khoát “… Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

5 năm sau, năm 1972, ta thắng trận “Điện Biên Phủ trên không” và sau đó Mỹ mới chịu ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

10. Về tiến trình kết thúc chiến tranh ở Việt Nam là “Mỹ cút” rồi “Ngụy nhào”.

Trong Thư chúc mừng năm mới - Xuân Kỷ Dậu (năm 1969), Bác viết: “Vì độc lập vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”…

Sự việc đã diễn ra đúng như vậy vào năm 1973 (Mỹ cút) và năm 1975 (ngụy nhào) giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam...

Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC ĐẠT

Tin cùng chuyên mục