Đến ngày 18-3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện tổng hợp báo cáo, ý kiến góp ý từ 12 hội nghị lấy ý kiến ở cấp Trung ương; tập hợp đầy đủ báo cáo của 63/63 tỉnh, thành, 25 tổ chức thành viên của mặt trận…
Thông qua hội thảo của MTTQ Việt Nam các cấp, đã có gần 1,4 triệu lượt góp ý vào hầu hết toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được trên 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo của các tổ chức, cá nhân.
Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Báo cáo nêu rõ, hầu hết các ý kiến đều đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội; đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao) và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần thêm thời gian. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV hay không; có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.
Đáng chú ý, đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, xuất phát từ thực tế, nếu để thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng, nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao. Bởi vì, khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp, sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở, giá chênh lệch nhiều lần nên tạo ra vướng mắc, chưa công bằng.
Mặc dù, dự thảo vẫn quy định là Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, không còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên, trong dự thảo vẫn quy định dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất.
Bởi vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ lưỡng điều khoản này để phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp, dự án đã thỏa thuận được trên 80% số hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng số còn lại không thể thỏa thuận được thì trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận.
Về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW là quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường; các trường hợp miễn giảm; những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư…