Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định, Nhà nước cũng sẽ can thiệp vào hoạt động này bằng cách quy định về nguyên tắc tổ chức họ, về chủ họ, vai trò của chính quyền để đảm bảo quan hệ này được lành mạnh, tránh sự lạm dụng, biến tướng.
Dự thảo đã đề xuất 2 phương án về lãi suất trong họ có lãi.
Phương án 1 (phương án chọn): Thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm theo cách tính được quy định cụ thể trong dự thảo. Trường hợp lãi suất lĩnh họ cao hơn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp giới hạn 20%/năm về lãi suất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn mới này.
Các ý kiến ủng hộ phương án 1 này cho rằng quy định như vậy là thể hiện đúng đặc thù của quan hệ về họ, giải quyết được những băn khoăn trong việc xác định lãi suất lĩnh họ là vượt quá hay tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 471, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo phương án này, mỗi thành viên từ thời điểm bắt đầu dây họ đến thời điểm được lĩnh họ là người cho vay, tại thời điểm lĩnh họ đến cuối dây họ là người đi vay, số tiền vay tính bằng tổng số phần họ trừ đi số phần đã góp.
Ở phương án 2, thành viên trong họ có lãi có thể đưa ra mức lãi mà mình trả cho các thành viên khác để được lĩnh họ, nhưng lãi suất lĩnh họ không vượt quá giới hạn 20%/năm. Phương án này cũng đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Lý giải việc lựa chọn phương án 1, Bộ Tư pháp cho rằng quy định như Phương án 2 không cụ thể hóa được các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giới hạn lãi suất, không xác định được các thông số về thời gian chịu lãi, khoản tiền chịu lãi dễ dẫn đến việc tính lãi suất không thống nhất, không khắc phục được hạn chế trong thực tiễn thi hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.