Nhà nông Tây Nguyên đón tết ấm

Năm nay, cà phê, sầu riêng và nhiều mặt hàng nông sản có giá cao, giúp nông dân Tây Nguyên cải thiện thu nhập, có điều kiện ăn tết lớn.

Những ngày này, nụ cười rạng rỡ thường trực trên gương mặt nhiều nông dân tỉnh Kon Tum, báo hiệu một cái tết ấm no và hạnh phúc sau một năm làm lụng vất vả. Tại huyện Tu Mơ Rông - vùng dược liệu của tỉnh Kon Tum, anh A Phân (xã Măng Ri) cho biết, gia đình anh có vườn sâm Ngọc Linh hơn 1.000 cây đã bán được lá và hạt, cùng hơn 5 sào sâm dây bán củ. Giá các loại sâm luôn cao và đầu ra ổn định nên gia đình có nguồn thu lớn. Phấn khởi trước dược liệu được giá, gia đình làm heo ăn tết, mong năm tới cuộc sống sẽ càng khấm khá hơn.

5-9593.jpg
Nông dân ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi khi giá sầu riêng tăng cao

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, những năm qua, để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, người dân đã tập trung phát triển dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, đương quy. Đến nay, đồng bào Xơ Đăng đã trồng được 1.267ha cây dược liệu.

Cây dược liệu ở Tu Mơ Rông có thương hiệu, được khách hàng khắp nơi tín nhiệm lựa chọn để bồi dưỡng sức khỏe, làm quà tặng biếu. Vì thế, người dân bán được giá cao, đầu ra ổn định, cho thu lãi lớn. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng phát triển mở rộng vườn dược liệu; tìm kiếm thêm các doanh nghiệp có nguồn lực để liên kết trồng dược liệu với dân, cùng nhau làm giàu.

Xuôi về Đắk Lắk, đây là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước và diện tích sầu riêng đứng thứ 2 cả nước. Những năm gần đây, 2 mặt hàng nông sản này có giá cao, nhờ đó đời sống người dân đã thay đổi rõ nét.

Đến huyện Krông Pắk, nơi có diện tích trồng sầu riêng khá lớn của Đắk Lắk, có thể thấy sự thay đổi lớn của địa phương này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống người dân từ thị trấn cho đến các thôn, buôn có chuyển biến tích cực. Nhà bê tông, nhà cao tầng mọc san sát nhau, đường sá cũng được bê tông hóa đến tận ngõ từng hộ gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Điền (trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) khoe mới tậu chiếc ô tô hơn 700 triệu đồng sau vụ sầu riêng vừa qua. Ông có hơn 1ha trồng sầu riêng. Mùa vụ rồi thu được hơn 15 tấn sầu riêng, trừ hết chi phí được lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Không riêng sầu riêng, giá cà phê năm nay cũng cao hơn 100.000 đồng/kg nhờ đó người trồng phấn khởi. Anh Trần Văn Toàn (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cho hay, với gần 1ha cà phê trồng xen hồ tiêu, mùa vụ cà phê năm nay anh thu được hơn 3 tấn nhân, lời hơn 200 triệu đồng. Sau tết anh sẽ thu hoạch hơn 1 tấn tiêu, bỏ túi thêm 100 triệu đồng.

Ông Ya Toan Ênuôl, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết, những năm gần đây nông sản tại Đắk Lắk được mùa, được giá nên đời sống người dân chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk, chỉ riêng từ ngày 15-9-2024 đến ngày 14-10-2024 (sau thời điểm thu hoạch sầu riêng), Đắk Lắk có trên 1.700 ô tô và trên 10.200 xe máy đăng ký mới.

Tin cùng chuyên mục