* PHÓNG VIÊN: Việc Văn minh vật chất của người Việt được tái bản có phải là một bất ngờ với ông, vì sách nghiên cứu thường kén độc giả?
* Nhà nghiên cứu PHAN CẨM THƯỢNG: Đây không phải là cuốn sách đầu tiên của tôi. Tôi từng làm nhiều sách mỹ thuật, tuy nhiên độc giả mỹ thuật hẹp nên ít người biết. Khi viết, tôi thấy như lạc vào câu chuyện xa xưa và kể lại, không hy vọng hay lo lắng gì.
Tuy vậy, tôi biết câu chuyện của mình có sự đặc biệt, chẳng hạn hầu như không có ai viết về nông cụ (trừ sách kỹ thuật) như mình. Sách được tái bản nhiều lần, một phần do các nơi xuất bản muốn làm theo kiểu ăn chắc nên in với số lượng hạn chế. Có một vài trường tư thục muốn đưa nội dung sách vào chương trình giảng dạy nhưng việc chưa thành.
* Trong quá trình đi nghiên cứu mỹ thuật ở các vùng nông thôn, tôi thấy những chiếc cày, bừa hay đồ dùng ngày xưa vứt lung tung và người ta đang có xu hướng loại bỏ dần. Lúc bấy giờ xuất hiện cơ giới hóa, điện khí hóa trong nông nghiệp nên các đồ dùng như cối giã gạo, cối đá… bị bỏ hết. Nhân thể tôi có ngồi vẽ lại, rồi viết thử một vài bài về sự hình thành của cái bát.
Năm đó, tôi có chia sẻ với nhà văn hóa Hữu Ngọc ở NXB Thế giới về cuốn sách mà mình định làm. Ông Hữu Ngọc khuyên tôi đọc cuốn sách Văn minh vật chất, kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ 15-18 của tác giả Fernand Braudel, tên tiếng Việt là Cấu trúc vật chất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tôi tìm đọc sách và thấy rất hay, có khi mình cũng thử viết một cuốn sách như thế này.
Đầu tiên, tôi chỉ nghĩ ngợi đơn giản như vậy thôi. Nhưng sau suy nghĩ lại, đời sống xã hội Việt Nam khác nên tôi quyết định kết cấu lại cho phù hợp với đời sống của người Việt.
* Công trình của ông chọn nghiên cứu lịch sử văn minh qua nhãn quan đồ vật. Ông có thể nói rõ hơn về chữ “văn minh” được dùng trong tên sách?
* Khi viết quyển này, tôi đặt là Văn minh, theo đúng cái tên của nước ngoài nhưng như vậy thì không phù hợp với tâm lý người Việt. Bởi người Việt Nam coi trọng, xem văn minh là một thứ gì đó cao xa, to tát. Trong khi đó, ở phương Tây chỉ là một môn về đời sống của người bình thường. Tôi đặt là Văn minh vật chất của người Việt và chỉ muốn nói với bạn đọc, đây chỉ là một môn học của thế giới về văn minh nhưng thực ra là về đời sống hàng ngày của người bình thường.
* Việc xử lý kho tư liệu đồ sộ để làm nên cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt có phải là một thử thách với ông?
* Tư liệu rất nhiều, tôi còn hàng ngàn bản vẽ và ghi chép, việc đưa vào sách chỉ được một phần. Sau khi sách in, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang gợi ý tôi công bố nốt các tư liệu thành mục “Văn hóa tập tục” trên Báo Thể thao và Văn hóa. Việc công bố thành bài nhỏ cũng kéo dài được hơn 2 năm. Hiện tôi đang tập hợp toàn bộ tư liệu, để có thể biên soạn thành cuốn Sổ tay về Văn minh Việt Nam, trong đó có nhiều nghiên cứu, bản vẽ về văn hóa các tộc người (giống như sơ khởi cho từ điển).
* Vì sao không gian khảo cứu của cuốn sách chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bằng Bắc bộ, thưa ông?
* Về mặt nghiên cứu, chủ yếu tập trung ở đồng bằng Bắc bộ, nhất là ở Bắc Ninh và Hà Tây (nay là Hà Nội) - hai vùng điển hình của nền nông nghiệp Bắc bộ, còn các vùng khác có tính chất tham khảo. Mọi người cũng biết, trước đây tôi hoàn toàn đi bộ, không phải đi ô tô hay xe máy. Mãi đến năm 1994, tôi mới có xe máy. Tôi đi từ làng này qua làng khác mất cả năm trời, thường đi trong một vệt nghiên cứu như vậy. Chỉ riêng việc đi và vẽ đã mất 18 năm.
Tôi cũng thấy thiếu sót khi không vào Nam được nhiều, mà chỉ xem qua tư liệu một số nơi. Trong sách cũng có một số hình ảnh, tư liệu của nông dân Nam bộ nhưng không đáng kể. Nhưng như tôi có viết trong sách, các bạn trẻ có thể coi cuốn sách chưa hoàn thiện và các bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào đây những điều mà cuốn sách không có. Tôi cũng làm gần xong các tư liệu về Nam bộ, Champa và Tây Nguyên nhưng viết chưa tốt, vì tôi chưa có tâm hồn Nam bộ, Champa và Tây Nguyên. Tôi muốn viết như một thổ dân sống ở chính nơi đó, như tôi viết về làng Bắc bộ.
* Phương pháp nghiên cứu mà người khác có thể học hỏi ở ông là gì, nhất là khi ông thực hiện một mình và tự lo về kinh phí?
* Phương pháp nghiên cứu do đối tượng nghiên cứu quyết định - Marx nói thế, tức là mỗi đối tượng sẽ tự định ra cho người nghiên cứu cách thức tiếp cận nào đó. Không hề có phương pháp có trước để ta phân tích đối tượng. Về cách thức riêng, tôi học tập cách nghiên cứu văn minh từ các học giả phương Tây rất nhiều nhưng mô tả trình bày bằng tâm hồn của người sống trong các đối tượng đó, hay nói cách khác, người viết cũng chính là một đối tượng.
* Người xưa sáng tạo ra các đồ vật phục vụ cho đời sống, “chừng mực nào đó chúng đánh dấu những cột mốc văn minh nhân loại” (họa sĩ Nguyễn Quân). Nhưng ngày nay, con người lại lệ thuộc vào đồ vật. Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?
* Con người vừa sáng tạo ra đồ vật vừa lệ thuộc nó, giống như tình cảm thế hệ vậy, không phải chỉ bây giờ. Nhưng xưa, con người có tôn giáo, coi vật chất và cả bản thân mình là phù du. Người bình dân sống đơn giản, ít vật chất nên sự nô lệ vật chất cũng tương đối.
Ngày nay, chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều điều kiện vật chất: điện, nhà vệ sinh, điện thoại, vi tính, internet... (những cái này được coi là tối thiểu, ở tất cả các nơi ta đến). Nếu nhìn lại từ năm 1980 trở về trước, các điều kiện kia không có. Đây chính là cái thú vị để bàn, tôi thấy những vấn đề nhân bản khi con người cọ xát với phương tiện qua câu chuyện này.
* Ông từng nói rằng, khi đi học, ông không hề nghĩ mình trở thành nhà nghiên cứu hay họa sĩ mà chỉ thích rong chơi. Nhưng thực tế bây giờ ông đã trở thành một nhà nghiên cứu phê bình văn hóa - mỹ thuật danh tiếng. Nhìn lại, ông thấy có nuối tiếc khi dấn thân vào công việc nghiên cứu?
* Đến bây giờ, tôi cũng không muốn trở thành gì cả, sinh ra thì làm việc, nuôi thân, nhưng nếu làm được gì có ích hơn thế, thì càng tốt. Tôi chỉ tiếc là không có người đồng hành khai thác kho tàng văn hóa cổ (không phải là các nhà nghiên cứu thư viện, các du lịch viên mang máy ảnh đến di tích chụp rồi về). Kho tàng thì quá to mà sức người lại quá nhỏ.