Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng tiểu thuyết
Kim Các Tự của nhà văn Mishima Yukio (1925-1970) vẫn cho thấy giá trị nhất định trong lòng bạn đọc. Mới đây, tác phẩm này vừa được tái bản, do Nhã Nam và NXB Dân Trí ấn hành.
Ngày 2-7, tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TPHCM), nhân dịp tiểu thuyết Kim Các Tự của nhà văn Mishima Yukio tái xuất với độc giả Việt qua bản dịch của Nguyễn Văn Thực, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã có buổi trò chuyện về ẩn ức cái đẹp trong tác phẩm này.
Chương trình được dẫn dắt bởi nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang. Dù cách biệt nhau về thế hệ nhưng hành trình khám phá và cắt nghĩa cái đẹp trong tác phẩm Kim Các Tự của nhà văn Mishima đã xóa nhòa ranh giới này.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (trái) và nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang tại chương trình Tiểu thuyết Kim Các Tự ra mắt lần đầu tại Việt Nam từ năm 1970, sau đó được tái bản lần lượt qua các năm 1990, 2002 và 2004 với tên gọi Ngôi đền vàng. Gần 20 năm trôi qua tính từ năm 2004, tác phẩm không còn xuất hiện ở Việt Nam. Việc tác phẩm được trở lại với một diện mạo mới, đặc biệt là giữ nguyên tên ban đầu được xem là một món quà ý nghĩa cho thế hệ độc giả ngày nay.
Theo nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, nhiều tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản chưa được dịch hoặc chỉ được in một lần ở Việt Nam nhưng Mishima Yukio thì ngược lại. Ngoài Kim Các Tự còn có Tiếng triều dâng cũng được dịch và in nhiều lần.
Cũng theo anh, Kim Các Tự không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Mishima nhưng là tác phẩm được phương Tây chú ý. Từ năm 1963-1968, trong vòng 5 năm, Mishima liên tục được đề cử cho giải Nobel Văn học.
Sau hơn 50 năm, tiểu thuyết "Kim Các Tự" được trở lại với cái tên ban đầu cùng với diện mạo mới là món quà ý nghĩa đổi với độc giả ngày nay Tác phẩm kể về một cậu thiếu niên rất mê chùa Kim Các. Dù chưa từng đến ngôi chùa lần nào nhưng đọc qua sách vở, cậu đã rất mê vẻ đẹp của chùa Kim Các. Đến khi trở thành tăng sinh, tu trong chùa thì vẻ đẹp của ngôi chùa tiếp tục ám ảnh người tăng sinh này. Sau cùng, cậu đã đốt ngôi đền, cùng với lời tâm sự ở cuối tác phẩm: “Tay tôi đụng vào gói thuốc lá ở trong túi khác. Tôi châm thuốc, hút. Tôi cảm thấy giống như một người vừa làm xong công việc và thảnh thơi hút một điếu thuốc, tôi muốn sống”.
Đông đảo độc giả trẻ đã đến tham dự và lắng nghe những chia sẻ từ nhà nghiên cứu Nhật Chiêu Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, hiếm có tác phẩm nào mà ông đọc hơn nửa thế kỷ, và Kim Các Tự là một trong số đó. Hơn 50 năm trước, tác phẩm này đã gây cho ông cảm giác choáng ngợp và ngây ngất bởi vẻ đẹp của ngôi chùa qua cách miêu tả tài tình của nhà văn Mishima, đã được dịch giả Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ trọn vẹn. Thậm chí, ông còn thuộc lòng nhiều trang của tác phẩm.
“Giờ đây, đọc bản dịch của Nguyễn Văn Thực, tôi giống như có thêm một trải nghiệm mới. Văn học Nhật là văn học của cái đẹp. Ngoài Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết, Mộng phù kiều còn có Kim Các Tự. Đọc lại tác phẩm này, tôi nghĩ rằng chúng ta bắt đầu trả lại những giá trị đích thực của văn chương. Cảm giác đọc Kim Các Tự bây giờ, cái đẹp đang trở về vừa khiêm nhường nhưng cũng vừa rất huy hoàng”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được xem là chuyên gia uy tín về văn chương Nhật Bản hiện nay Với 45 năm tại thế, nhà văn Mishima Yukio đã để lại 12 cuốn tiểu thuyết, cuốn nào của ông cũng được biết đến và nhiều trong số đó được dịch ra tiếng nước ngoài như Khát vọng yêu đương, Tiếng triều dâng, Lời tự thú của chiếc mặt nạ, Sau bữa tiệc… Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, ngoài tiểu thuyết, Mishima còn có nhiều truyện ngắn, kịch Nô. Ông còn được biết đến với vai trò là người mẫu khỏa thân, ca sĩ, đạo diễn, võ sư. Ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt được những thành công nhất định.
HỒ SƠN