Tranh Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng vừa có nhiều cơ hội để bứt phá, vừa phải đối mặt với không ít thách thức của thị trường. PV Báo SGGP đã có buổi trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi quanh câu chuyện này.
* PHÓNG VIÊN: Thưa anh, việc mạo danh họa sĩ Nguyễn Thụ đem tranh đấu giá trên sàn quốc tế tại Pháp mới đây khiến dư luận quan tâm. Là người có rất nhiều kinh nghiệm, nhiều năm cộng tác với các nhà đấu giá nghệ thuật quốc tế, anh có thể cho biết thêm về công tác tư vấn, thẩm định tranh của các nhà đấu giá này?
* Nhà nghiên cứu NGÔ KIM KHÔI: Các nhà đấu giá tại Pháp là những cơ quan có nhiều năm kinh nghiệm. Họ đã từng đấu giá rất nhiều tác phẩm của các danh họa trên thế giới. Xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn đấu giá nghệ thuật uy tín, tranh Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng đã khẳng định được sức hấp dẫn cũng như vị trí của mình trên thị trường quốc tế.
Gần đây, thị trường tranh Việt Nam đã cuốn hút rất nhiều nhà sưu tập, cho ra những con số vượt mức tưởng tượng của họ. Điều này càng rõ ràng hơn khi các nhà sưu tập Việt Nam bắt đầu biết chơi tranh và bước chân vào thị trường đấu giá. Một số nhà đấu giá lập ra một nhánh chuyên về tranh châu Á và đặc biệt tranh Đông Dương. Tuy nhiên, vì mới rộ nở, thị trường tranh Đông Dương vẫn chỉ e ấp như một cô gái xuân thì.
Trong công việc buôn bán, cung và cầu là điều tất yếu để bộ máy thương mại hoạt động trôi chảy. Các nhà đấu giá lập tức thành lập ban thẩm định tranh Đông Dương và có những chuyên gia nhất định. Vì ban ngành còn quá trẻ, họ phải dùng kinh nghiệm từng trải rất nhiều năm trên thị trường đấu giá và cùng lúc học hỏi thêm về tranh Đông Dương, kêu gọi các chuyên gia từ bên ngoài để củng cố kiến thức. Phải công nhận những cố gắng ấy đã mang đến nhiều kết quả mỹ mãn.
* Có ý kiến cho rằng, ngày càng có nhiều người Việt tìm kiếm và sưu tập mỹ thuật Đông Dương, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
* Việc có nhiều người Việt tìm kiếm và sưu tập mỹ thuật Đông Dương chính là yếu tố quyết định thị trường tranh Đông Dương ngày càng nở hoa. Nhiều nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s hay Christie’s đã lập hẳn chi nhánh tại châu Á (Hồng Công (Trung Quốc), Singapore…) để tiện việc tìm kiếm tranh châu Á, cũng như tạo phương tiện đi lại dễ dàng cho các nhà sưu tập.
Ở các nước khác như Pháp, Mỹ..., những cuộc đấu giá về tranh Việt Nam cũng thường được tổ chức, một năm vài lần. Ngoài Sotheby’s hay Christie’s, người ta dần dần thấy tên tuổi các nhà đấu giá có những phiên đấu dành riêng cho dòng tranh Đông Dương như Aguttes, Lynda Trouvé, Asium... Điều này cho thấy tranh Việt Nam có sức hấp dẫn không nhỏ đối với các nhà sưu tập cũng như những nhà đầu tư quốc tế.
* Cách đây không lâu trên sàn đấu giá của Christie’s Hồng Công từng xảy ra lùm xùm vì tranh Lê Phổ bị cho là giả. Vấn nạn tranh giả đã là “câu chuyện không của riêng ai”, anh đánh giá thế nào?
* Vấn nạn tranh giả là một đề tài… muôn thuở trên thị trường tranh Việt Nam, hay nói đúng hơn là thị trường tranh Đông Dương. Người ta không giả tranh họa sĩ đương đại, nếu có chỉ là trường hợp hy hữu. Vì hiện nay giá trị tranh đương đại Việt Nam không cao bằng tranh Đông Dương. Tranh giả ở Việt Nam không phải bây giờ mới có. Và vấn nạn tranh giả đã không ngừng đưa tranh Việt vào sự hỗn loạn và tiếp tục lũng đoạn thị trường, làm cho tiếng nói của tranh Việt không thể vươn cao.
Việc bài trừ tranh sao chép trái phép đối với nền mỹ thuật Việt Nam là một công việc dài hơi.
* Sau tác phẩm tranh của bậc thầy Lê Phổ cán mốc triệu đô trên sàn đấu giá quốc tế, giới chuyên môn nhận định sẽ còn nhiều gương mặt Đông Dương chạm mốc này. Anh nhìn nhận thế nào?
* Tôi cho rằng giá trị tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế hiện tại vẫn chưa chính xác. So sánh với các dòng tranh khác tại châu Á, như Trung Quốc hay Nhật Bản, giá trị tranh Đông Dương phải hơn thế. Tôi tin rằng, kỷ lục 1,4 triệu USD (tác phẩm Khỏa thân, sơn dầu, năm 1931 của cố danh họa Lê Phổ) sẽ bị phá vỡ trong một ngày rất gần.
Có buồn không khi giá tranh đồng môn của ông Nam Sơn bên Pháp là họa sĩ Foujita (Nhật Bản) và Từ Bi Hồng (Trung Quốc) đã lên đến hàng chục triệu USD, còn tranh mình cán mốc 1,4 triệu USD thì đã vui mừng lắm, trong khi tầm mức của tranh Đông Dương nào kém tranh của Foujita hay Từ Bi Hồng.
Hiện nay, trong các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam có rất nhiều tranh chưa tiết lộ và giá trị không nhỏ. Không phải tranh bị lãng quên, mà do những điều kiện khách quan hay chủ quan, tranh chưa xuất hiện trên thị trường. Dĩ nhiên, vì tính bảo mật, tôi không thể tiết lộ.
* Thực tế, so với họa sĩ trẻ trong khu vực, họa sĩ trẻ Việt Nam ít có cơ hội chen chân trên các sàn đấu quốc tế. Theo anh, điều gì khiến các gương mặt trong nước chưa tạo được sự chú ý?
l Tuy chưa đạt được tầm mức quan trọng so với các bậc tiền bối, nhưng các tên tuổi mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng thường xuất hiện, như: Hồng Việt Dũng, Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Sơn, Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm Luận...; thế hệ kế tiếp những năm gần đây có thể kể đến: Nguyễn Trường Linh, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Phúc Lợi, Vũ Đình Tuấn... Các họa sĩ trẻ hiện nay đang tạo ra nhiều xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn chất liệu cũng như phong cách. Riêng tôi, nghệ thuật sắp đặt là một trong những xu hướng thành công của mỹ thuật Việt Nam. Thủy Nguyễn là một thí dụ, với tác phẩm sắp đặt mang tên Silver room (tạm dịch: Nhà bạc), là người Việt đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại Château La Coste nổi tiếng của Pháp, cùng các tên tuổi nghệ sĩ vang danh thế giới, như: Louise Bourgeois, Andy Goldsworthy, Tracey Emin, Alexander Calder, Richard Serra, Ngải Vị Vị...
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi sinh năm 1959, ông định cư tại Pháp năm 1985. Ông là người duy nhất được hãng thời trang Hermes tuyển chọn sau nhiều vòng thi tuyển khắt khe. Về sau, ông còn cộng tác với các hãng thời trang cao cấp như Dior, Givenchy, Balenziaga, Scherrer... Ông đã dựng mẫu nhiều bộ thời trang cho các nhân vật thượng lưu, giới chính khách, các ngôi sao Hollywood, danh ca Madonna... Ông là cháu ngoại của danh họa Nguyễn Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Hơn 30 năm qua, ông còn là nhà nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật Đông Dương, được sự công nhận của giới mỹ thuật Pháp và toàn thế giới. Ông được mời làm đối tác của Bảo tàng Guimet và nhiều bảo tàng lớn khác trong vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu mỹ thuật Đông Dương; được mời thẩm định tranh cho các cuộc đấu giá uy tín tại Pháp, châu Âu và Hồng Công (Trung Quốc). |