Chiều 20-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Sở TT-TT, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức Giao ban báo chí, thông tin liên quan đến hoạt động của Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, mục tiêu cuối cùng của các buổi đối thoại, tuyên truyền người dân nhằm giải quyết mọi vấn đề, thắc mắc xoay quanh Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh.
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hào, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi muốn khẳng định lần nữa quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi đối với vụ việc xoay quanh Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh mà hiện người dân vẫn đang phản đối do lo ngại ô nhiễm môi trường.
Ông Hào cho biết: “Mục tiêu cuối cùng là giải quyết các vấn đề liên quan đến Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh, chủ trương của tỉnh là bảo vệ không di dời nhà máy là đúng, tỉnh sẽ tiếp tục đối thoại, tuyên truyền để người dân Đức Phổ hiểu được tác động, ý nghĩa của xử lý rác tại nhà máy bằng công nghệ tiên tiến là đốt”.
Ông Hào phân tích thêm, tại một số tỉnh bạn việc xử lý rác thải vẫn dừng lại ở biện pháp chôn lấp như Đà Nẵng và Quảng Nam. Riêng Quảng Ngãi đứng ra kêu gọi doanh nghiệp xã hội hóa làm Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt.
Theo ông Hào, các chuyên gia môi trường cũng đã khẳng định tính hiệu quả của công nghệ này, vừa qua PGS.TS Trần Văn Quang, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng đã nhận định sử dụng công nghệ đốt đáp ứng các yếu tố môi trường và phù hợp xu thế phát triển thế giới.
Ông Hào nói rằng, chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi là đúng đắn, tuy nhiên trong quá trình thông tin từ lúc bắt đầu xây dựng nhà máy, tham vấn cộng đồng, đến khi đưa vào hoạt động thì quá trình thông tin không đến nơi đến chốn, dẫn đến vụ việc người dân chặn xe chở rác xảy ra những ngày qua.
Do vậy, trong thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ mời thêm các cơ quan có trách nhiệm thông tin về nhà máy này, để người dân đồng thuận, tự tháo gỡ,…
Để giải đáp các thắc mắc của người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ về quy trình khoảng cách xây dựng, yếu tố môi trường, phòng bệnh,.. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND huyện Đức Phổ phối hợp các đơn vị khẩn trương đo đạc lại khoảng cách, quan trắc môi trường và mời người dân tham gia chứng kiến. Đồng thời, sẽ gửi đề nghị đến Tổng Cục Môi trường tham gia đánh giá các thông số môi trường để thẩm định, kiểm tra, đánh giá, kết luận nhà máy này đủ điều kiện hoạt động hay không.
Ngoài ra, về phía Sở Y tế tỉnh cũng phối hợp kiểm tra công tác dịch bệnh do môi trường (nếu có) và kiểm tra số người dân đã chết trong 5 năm trở lại đây, có bao nhiêu ca ung thư chết và nguyên nhân để thông tin đến người dân cụ thể.
Trong khoảng thời gian này, UBND huyện Đức Phổ có biện pháp xử lý rác, làm bãi chôn lấp tạm thời để tránh tình trạng xã nào giải quyết rác xã đó, ô nhiễm môi trường, đến khi nhà máy hoạt động trở lại và xử lý.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài những nổ lực các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà nước thì cần có sự tham gia các cơ quan báo chí. Mục tiêu là hoàn thành thu gom xử lý rác thải để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân bằng những công nghệ tiên tiến nhất.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo đề nghị Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường như che bạt chống nóng, chống mùi, xây dựng taluy hạn chế chống thấm, xây hồ chứa nước rỉ từ bãi rác cũ,…