Tìm mọi cách xử lý rác
Từ khi Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau bảo trì, bảo dưỡng, để xử lý lượng rác thải trên địa bàn, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, bố trí những vị trí phù hợp, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, môi trường để tập kết và xử lý rác thải sinh hoạt tạm thời. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương xây dựng các hố chôn lấp tạm, xử lý mùi hôi, ruồi,…theo đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc xử lý rác tại các địa phương chưa đảm bảo, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Cụ thể, UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) tái sử dụng lại bãi rác cũ nằm ở khóm 1 để chứa rác. Tuy nhiên, việc sử dụng bãi rác tạm này không đúng quy định vì nằm trong khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu biển Tây và tiếp giáp với biển. Để tránh rác tràn xuống biển, chính quyền địa phương cho rào khu vực mặt biển. Tuy nhiên, việc rào chắn không chắc chắn, phía dưới không được lót bạt nên nước rỉ rác thẩm thấu và tràn ra biển gây ô nhiễm. Tương tự, bãi rác tại thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) cũng nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Sau nhiều tháng đưa vào sử dụng thì lượng rác tập kết đã hàng trăm tấn. Ông Ngô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết mặc dù biết đổ rác tạm thời tại đây là sai quy định nhưng buộc phải làm vì địa phương không còn quỹ đất nào khác. Hiện tại nhiều bãi rác tạm nằm gần khu dân cư nên ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Sở TN-MT Cà Mau, trong số 10 bãi rác thì có 7 bãi rác có khoảng cách gần khu dân cư hoặc nhà dân. Trước tình hình trên, Sở TN-MT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau khẩn trương thực hiện việc đào hố lót bạt để chống thẩm thấu của nước rỉ rác vào môi trường đất, nước ngầm và sử dụng chế phẩm, thuốc chuyên dùng phun xịt để giảm thiểu mùi hôi, diệt ruồi. Trường hợp có nhiều mùi hôi, ruồi, phải tăng nồng độ và tần suất phun xịt thuốc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Chỉ vận hành khi được điều chỉnh giá
Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau đã được đầu tư và đưa vào hoạt động từ tháng 5-2012. Trong quá trình vận hành, nhà máy đã một lần ngưng để bảo trì, bảo dưỡng vào năm 2015. Sau một thời gian hoạt động, máy móc, thiết bị đã hư hỏng nhiều, không đảm bảo kỹ thuật, an toàn, duy trì tuổi thọ của thiết bị nên tạm ngưng bảo trì, bảo dưỡng trong 3 tháng (bắt đầu từ ngày 27-7). Sau thời gian tạm ngưng, đến nay nhà máy vẫn chưa đưa vào hoạt động trở lại.
Đại diện Công ty Công Lý cho biết, trong 6 năm hoạt động thì nhà máy liên tục thua lỗ, đến nay tổng số tiền trên 133 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ là do thời gian đầu hoạt động, khối lượng rác được đưa vào nhà máy để xử lý thấp so với công suất thiết kế, chi phí xử lý rác thải thấp, không có doanh thu từ bán phân compost. Ngoài ra, do đặc thù của ngành xử lý rác, các thiết bị, máy móc luôn bị oxy hóa, gỉ sét rất nhanh, thường xuyên hư hỏng,… Trước thực tế trên, Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh Cà Mau điều chỉnh phí xử lý rác thải từ 350.000 đồng/tấn lên 450.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT), giao 10ha đất để làm đường thoát nước, trồng thêm cây xanh hạn chế phát tán mùi ra môi trường… Trong buổi làm việc gần đây với đại diện Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh rất chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tỉnh cho phép nhà máy ngưng hoạt động đến nay đã hết và không cho phép nhà máy tiếp tục ngưng hoạt động. Đề nghị chủ đầu tư sớm khắc phục những khó khăn để vận hành lại nhà máy.
Khi được hỏi khi nào Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động trở lại, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, cho biết khi nào có giá xử lý rác mới thì mới đưa nhà máy vận hành trở lại. “Chúng tôi chịu đựng 6 năm và có đến 18 tờ trình xin điều chỉnh giá xử lý rác mà tỉnh chưa chấp thuận. Làm không có lợi nhuận thì không có doanh nghiệp nào làm, nhà máy rác đã lỗ còn bị phạt trên 10 tỷ đồng tiền thuế”, ông Dân nói.