Đùn đẩy trách nhiệm
Những ngày này, người dân xã Đắk Pxi (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vẫn đang mong chờ đơn vị có trách nhiệm sớm đền bù diện tích hoa màu bị ảnh hưởng quanh lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 (xã Đắk Pxi).
Tại các buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi 5 cho rằng, một phần ảnh hưởng là do thủy điện thượng nguồn xả lũ về, vì thế, thủy điện Đắk Psi 5 đề nghị cơ quan chức năng làm việc với các thủy điện nằm ở thượng nguồn để cùng san sẻ trách nhiệm. Do vướng mắc vấn đề này nên đến nay các hộ dân vẫn chưa nhận được đền bù.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đức Thành Gia Lai Nguyễn Văn Quý cho biết, thủy điện Đắk Psi 5 không phải là nguyên nhân gây ngập lụt làm ảnh hưởng các hộ dân xung quanh lòng hồ. Nguyên nhân là do thủy điện bậc 1 và 2 của thủy điện Đức Nhân (phía thượng nguồn) xả lũ với lưu lượng lớn, khiến nước về vượt quá dung tích thiết kế của lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 nên gây ngập cho các hộ dân xung quanh lòng hồ.
Ông Quý lý giải, thủy điện Đắk Psi 5 đưa vào khai thác từ năm 2012 và vận hành hồ chứa theo đúng quy định đã được Bộ Công thương phê duyệt. Trong khoảng thời gian 2012-2019 đã trải qua 2 trận lũ lịch sử, nhưng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 không gây ngập các hộ dân sản xuất quanh lòng hồ. Nhưng đến năm 2020, thủy điện bậc 1, 2 của thủy điện Đức Nhân đi vào hoạt động, xả lũ với lưu lượng lớn, vượt quá dung tích thiết kế 13 lần của lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 nên gây ngập.
Cũng theo ông Quý, ông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum và Sở Công thương làm việc với nhà máy thủy điện bậc 1, bậc 2 của Nhà máy thủy điện Đức Nhân để có trách nhiệm chính, cùng Nhà máy thủy điện Đắk Psi 5 hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, cũng như xem xét lại quy trình xả lũ.
Cù cưa đền bù
Tại xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù do thủy điện Đắk Re (xây dựng tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, có công suất 60 MW, do Công ty CP Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư) gây ra. Sự việc bắt đầu từ tháng 12-2021, trong quá trình tích nước lòng hồ 3, thủy điện này đã làm sạt lở ruộng lúa và làm ngập đường tạm đi vào khu sản xuất của người dân.
Chủ tịch UBND xã Hiếu Phan Thế Vinh cho biết, thủy điện gây hư hại lúa, hoa màu, đường đi theo phản ánh của người dân là đúng. Đây là phần diện tích nằm ngoài phạm vi lòng hồ. Để đảm bảo quyền lợi cho dân, vào khoảng tháng 1-2022, UBND xã đã mời đại diện Công ty CP Thủy điện Thiên Tân lên làm việc. Công ty thừa nhận việc tích nước lòng hồ gây ảnh hưởng và cam kết sẽ sắp xếp thời gian để cùng chính quyền đi kiểm tra, đo đạc, qua đó có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết đã lâu nhưng công ty này không thực hiện.
Cũng theo ông Vinh, do công ty chưa đi đo đạc với xã nên chưa thống kê cụ thể diện tích đất ruộng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện một số diện tích bà con không thể sản xuất. Ông Phan Thế Vinh cho biết thêm, đây không phải lần đầu thủy điện này làm khổ dân, mà trước đó, quá trình thi công, vận hành thủy điện này cũng đã nhiều lần gây ảnh hưởng và đã phải chi hơn 3,3 tỷ đồng để đền bù cho dân.
Cũng tại Kon Tum, thủy điện Đắk Đrinh (công suất 125 MW, xây dựng tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông) dù hoàn thành và tích nước từ năm 2013, nhưng công tác đền bù đến nay vẫn chưa hoàn thành. Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nên A Diêng cho biết, hiện thủy điện này chưa chi trả số tiền khoảng 33 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Huyện, tỉnh đã nhiều lần làm việc với công ty, nhưng đơn vị này vẫn chưa có phương án chi trả.
“Việc thủy điện chưa đền bù đã gây khó khăn đến đời sống người dân, nếu kéo dài không biết dân sinh sống thế nào. Để giải quyết khó khăn trước mắt cho dân bị thủy điện nợ tiền, thời gian qua, xã đã chủ động bố trí đất cho dân thiếu đất sản xuất, hoặc ưu tiên cho vay vốn lãi suất thấp để dân có điều kiện sản xuất”, ông A Diêng nói.