Nhu cầu sử dụng rất lớn
TS- bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TPHCM (BTH), cho biết, BTH là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam điều trị các bệnh lý huyết học, với 70.000-80.000 người bệnh/năm.
Trong quá trình điều trị, BTH cần sử dụng số lượng lớn chế phẩm được điều chế trích xuất từ huyết tương người, như dung dịch Albumin (một thành phần protein quan trọng nhất của huyết thanh), chế phẩm Gammaglobulin (huyết thanh miễn dịch), yếu tố đông máu VIII, IX… Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương nên phải nhập khẩu các chế phẩm này từ nước ngoài, giá cao, gây tốn kém cho người bệnh và xã hội.
Ngoài BTH, 3 bệnh viện nhi của TPHCM mỗi năm cũng cần nhập khẩu hàng trăm ngàn chế phẩm từ huyết tương để điều trị cho hàng triệu bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… “Chỉ tính 1 đợt điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng, bệnh viện phải sử dụng 10-15 lọ chế phẩm Gammaglobulin, tốn kém khoảng 50 triệu đồng. Lo nhất là có lúc dịch bùng phát mạnh, việc nhập khẩu sinh phẩm từ huyết tương phụ thuộc vào đối tác ở nước ngoài, dẫn tới có lúc nguồn cung thiếu hụt… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị, nhất là với những trường hợp cần sử dụng Gammaglobulin để cứu sống người bệnh”, bác sĩ CKII Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay.
Bước tiến quan trọng
Theo Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng huyết tương, các sản phẩm phân đoạn huyết tương cho điều trị tại Việt Nam rất lớn. Thông qua các chương trình hiến máu tình nguyện, nước ta có khoảng 2 triệu đơn vị máu thu được từ người hiến máu tình nguyện (mỗi đơn vị tương ứng 250ml máu toàn phần). Chế phẩm huyết tương được điều chế từ máu toàn phần hoặc sau gạn tách bằng máy tách tự động, làm đông đến -250C hay lạnh hơn để bảo toàn hầu hết các yếu tố đông máu. Máu được tách chiết thành nhiều chế phẩm, sử dụng nhiều nhất là hồng cầu, tiểu cầu.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, máu sau khi tách từ máu toàn phần mới chỉ được sử dụng ở dạng thô, như huyết tương đông lạnh (frozen plasma) hay huyết tương tươi đông lạnh (fresh frozen plasma) để truyền cho người bệnh trong điều trị một số bệnh. Việc tận dụng nguồn huyết tương này ở nước ta chưa triệt để, thậm chí phải bỏ đi nếu sử dụng không hết. Đây là một sự lãng phí lớn. Do chưa thể sản xuất được, hàng năm nước ta vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu sản phẩm phân đoạn huyết tương điều trị cho người bệnh.
Nhận định về việc Việt Nam vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương đặt tại Khu công nghệ cao, TPHCM, PGS-TS Nguyễn Quang Tùng, Phó Viện trưởng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đánh giá đây là bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp dược trong nước. Khi đi vào hoạt động, trước mắt nhà máy sẽ tách được một số thành phần huyết tương đang được sử dụng nhiều.
Với sự kỳ vọng lớn, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, nhấn mạnh: Việc Việt Nam xây dựng được nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương là một bước tiến quan trọng, nhất là đối với ngành y tế. Chúng tôi hy vọng giá sẽ giảm 50%-60% so với giá nhập khẩu từ nước ngoài, từ đó không chỉ giảm áp lực cho các bệnh viện mà người bệnh còn được hưởng lợi, bớt lo lắng về kinh tế để yên tâm điều trị.
Công ty TNHH Bình Việt Đức (BIVID) xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM. Tổ hợp gồm nhà máy sản xuất sinh phẩm phân đoạn huyết tương; nhà máy sản xuất vaccine và insulin; nhà máy sản xuất thuốc gây tê, gây mê; nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng, với công suất phân đoạn 600.000 lít huyết tương/năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Đây là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm nguồn dự trữ y tế chiến lược cho quốc gia, sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh và thiên tai; giảm phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu, hướng tới sự tự chủ y tế toàn diện, đáp ứng đúng định hướng và chủ trương của Chính phủ về tự sản xuất, tự cung ứng dược phẩm, vaccine, sinh phẩm.