Ngừng hoạt động vì liên tục vi phạm
Ngày 26-10-2009, UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty Soda Chu Lai khởi công xây dựng nhà máy sản xuất soda trên diện tích 20ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất 200.000 tấn/năm, sản xuất 2 loại thành phẩm chính soda nặng và soda nhẹ phục vụ cho ngành sản xuất thủy tinh, pha lê, kính xây dựng, công nghệ tẩy rửa, bột giấy…, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương.
Dự án được khởi công đầu năm 2010, đến đầu năm 2016, Nhà máy Soda Chu Lai chính thức vận hành. Thế nhưng, chỉ trong 6 tháng, nhà máy này đã bộc lộ nhiều bất cập, như gây ô nhiễm môi trường, nợ lương công nhân… Phản ứng với tình trạng gây ô nhiễm môi trường, người dân xã Tam Hiệp đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, thậm chí tổ chức phản đối gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngày 8-2-2016, sau khi đi thực tế kiểm tra, Tổng cục Môi trường ra kết luận xử phạt Công ty Soda Chu Lai 731 triệu đồng và yêu cầu dừng hoạt động trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày 8-2-2016) vì lỗi phát sinh nước thải vượt quy chuẩn. Tuy nhiên, công ty này chỉ nộp phạt 200 triệu đồng và chưa tròn 1 tháng sau đã sản xuất trở lại. Ngày 23-7-2016, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường kiểm tra đột xuất và phát hiện nhà máy xả nước thải trực tiếp ra sông Bến Ván dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, gây bức xúc cho người dân; xả nước thải tràn ra mặt đường trong khu công nghiệp; 2 cửa xả từ cống thoát nước mưa của nhà máy có lẫn cặn than cám… Đoàn thanh tra xác định, Công ty Soda Chu Lai đã thực hiện không đầy đủ các nội dung, yêu cầu trong kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường ngày 8-2-2016; không thực hiện đầy đủ đánh giá tác động môi trường; không thu gom triệt để chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại quá 6 tháng, không báo cáo với cơ quan thẩm quyền và chưa có giấy phép xả nước thải ra ngoài môi trường. Đồng thời yêu cầu công ty phải khắc phục những tồn tại nói trên, phải thu gom toàn bộ nước vệ sinh công nghiệp để xử lý trước khi xả thải ra môi trường và chỉ được vận hành trở lại khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Do không thể khắc phục những tồn tại này nên từ tháng 8-2016 đến nay nhà máy phải ngừng hoạt động. Từ chỗ sử dụng 500 lao động, nay chỉ còn chưa đầy 10 lao động làm công việc duy tu, bảo trì máy móc. Công ty Soda Chu Lai hiện còn nợ của 5 ngân hàng: Agribank Chi nhánh Quảng Nam (ngân hàng đầu mối), Agribank Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Định và PVcomBank số tiền hơn 2.300 tỷ đồng.
Ông Lê Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết từ khi làm thủ tục thuê đất năm 2010 đến ngày 25-10-2016, Công ty Soda Chu Lai chỉ thanh toán được 8 tỷ đồng và còn nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuê đất (chưa tính lãi ngân hàng phát sinh). Bên cạnh đó, công ty còn nợ hơn 300 tỷ đồng của đơn vị thầu thi công nhà máy và hàng chục tỷ đồng tiền nguyên liệu than đá, muối, đá vôi dùng để sản xuất soda.
Khởi kiện là phương án tối ưu
Ngày 13-4-2017, Agribank Chi nhánh Quảng Nam đã mời các bên vay và cho vay để họp bàn thống nhất việc thu hồi nợ và xử lý tài sản thế chấp của Công ty Soda Chu Lai trong trường hợp chủ đầu tư không tiếp tục đầu tư vốn để thực hiện dự án. Ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Nam, cho biết đơn vị phối hợp cùng các ngân hàng và chủ đầu tư tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư mới để giúp nhà máy khắc phục các sự cố về môi trường và đưa vào sản xuất trở lại. Cụ thể, đến hết ngày 20-9-2017, phải huy động tối thiểu 150 tỷ đồng để thanh toán các chi phí cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm trước khi các bên cho vay xem xét tiếp tục đầu tư vốn bổ sung… Trước mắt, ưu tiên vực dậy nhà máy, vì đây là nhà máy hóa chất lớn nhất khu vực miền Trung, tránh xảy ra việc vỡ nợ như Nhà máy cồn Đại Tân trước đây; như vậy mới tránh được các khoản nợ xấu mà bên cho vay phải gánh chịu.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện việc huy động vốn nhằm đưa nhà máy trở lại hoạt động. Trước tình hình đó, cuối tháng 9-2017, Agribank Việt Nam đã thành lập tổ xử lý nợ, bao gồm cán bộ lãnh đạo tại hội sở Agribank Việt Nam và các thành viên là lãnh đạo các chi nhánh của Agribank Quảng Nam, Tuyên Quang, Bình Định, Phú Yên đã cho Công ty Soda Chu Lai vay vốn. Thế nhưng, việc tìm kiếm một giải pháp khả thi đưa nhà máy trở lại hoạt động và đảm bảo an toàn vốn vay đã trở nên khó khăn với tổ xử lý nợ. Trong nhiều tháng qua, Agribank Chi nhánh Quảng Nam cũng đã tiêu tốn thêm hàng trăm triệu đồng thuê người bảo vệ nhà máy cả ngày lẫn đêm để tránh việc lấy cắp, tẩu tán tài sản. Ông Hà Thạch cho rằng, trong thời điểm hiện tại, việc tiến hành các thủ tục khởi kiện là thế chẳng đặng đừng nhưng lại là phương án tối ưu để thu hồi vốn vay theo đúng quy định của pháp luật.
Dù các bên cho vay đã cố gắng tìm mọi cách “giải cứu” dự án ngàn tỷ nhưng nhà máy hóa chất lớn nhất khu vực miền Trung đang bên bờ vực phá sản. Qua vụ việc này, vấn đề được đặt ra là Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại công tác thẩm định, đầu tư tại các khu công nghiệp, tránh lãng phí tài sản của nhà nước vào những dự án kém hiệu quả.