Theo ghi nhận, công trình nhà máy nước sạch khu TĐC xã Thọ Điền có diện tích hơn 500m2, cạnh cầu Khe Ná 2, bên trong nhà máy có các hệ thống bồn lọc, bể chứa, đường ống và máy móc thiết bị các loại, nhưng đã cũ kỹ, xuống cấp. Bể lọc, ống dẫn, van mở khóa nước và khu vực nền xi măng nơi đặt các bồn lọc do nước bị rò rỉ đã hoen ố vàng khè, nhếch nhác.
Ông Phan Thanh Hùng (thôn Kiều, khu TĐC xã Thọ Điền) cho biết, gia đình chuyển từ xã Hương Điền về khu TĐC từ năm 2013, đến năm 2017 thì được hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước máy về tận nhà. Nhưng gia đình không sử dụng nguồn nước này để ăn uống do lo ngại không đảm bảo an toàn vệ sinh, vì nước lúc trong lúc đục và có mùi hôi khó chịu. Một số hộ dân không có giếng khoan, giếng đào hoặc nước giếng bị nhiễm phèn, bất đắc dĩ phải sử dụng nguồn nước từ nhà máy để ăn uống thì phải đầu tư hàng triệu đồng làm thêm bể lọc, mua máy lọc xử lý.
Ông Đặng Hồng Minh (người quản lý vận hành và bảo vệ nhà máy nước sạch khu TĐC xã Thọ Điền) cho biết, từ khi nhà máy nước sạch hoàn thành đưa vào hoạt động đến nay, mỗi ngày cấp khoảng 200-300m3 nước cho người dân. Tuy nhiên, nguồn nước đầu vào được lấy từ cống xả đáy hồ chứa Khe Ná 2 về nhà máy không được đảm bảo, nhà máy chỉ xử lý qua lọc làm trong nước, còn mùi hôi vẫn không hết được, thậm chí có những thời điểm dùng nước máy này để tưới cây thì cây cũng có màu vàng... Để khắc phục tình trạng này, ngoài đầu tư nâng cấp lại hệ thống máy móc, thay đổi vị trí lấy nước đầu vào, cần phải thu dọn vệ sinh môi trường ở khu vực lòng hồ chứa nước Khe Ná 2, nhưng cần kinh phí khá lớn.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, cho biết, việc đầu tư kinh phí để khắc phục tồn tại của nhà máy cấp nước sạch đang gặp khó khăn, vượt ngoài khả năng ngân sách của địa phương. Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để có hướng xử lý triệt để, nhưng đến nay vẫn không có kết quả.