Cụ thể, MobiFone có 25.587 người dùng đăng ký chuyển mạng, trong đó chuyển đi thành công 6.906 trường hợp (đạt tỷ lệ 26,99%); VinaPhone có 28.451 người dùng đăng ký chuyển mạng, chuyển đi thành công 19.425 trường hợp (68,28%); Viettel có 33.438 người dùng đăng ký chuyển mạng, chuyển đi thành công 27.941 trường hợp (83,56%); Vietnamobile có 5.929 người dùng đăng ký chuyển mạng, chuyển đi thành công 386 trường hợp (6,51%). Về số thuê bao đăng ký chuyển đến, MobiFone có 9.940, VinaPhone có 35.688 và Viettel có 46.961 thuê bao đăng ký chuyển đến.
Từ số liệu thống kê, có thể thấy MobiFone và Vietnamobile đang là 2 nhà mạng có tỷ lệ đăng ký chuyển mạng thành công rất thấp (26,99% và 6,51%). Trước tình hình này, tại cuộc họp giao ban vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nghiêm khắc phê phán hành vi cố tình giữ chân thuê bao của các nhà mạng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà mạng nên loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các nhà mạng cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3 phải đạt tối thiểu 90%. Để nâng cao chất lượng giám sát của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Cục Viễn thông cần có kế hoạch công khai minh bạch hơn nữa các số liệu liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.
Thời gian qua, vấn đề các nhà mạng cố tình gây khó dễ cho thuê bao di động tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ số đã được dư luận, báo chí phản ánh khá nhiều. Nhiều thuê bao cho biết, họ gặp phải khó khăn, cản trở và còn bị các nhà mạng “từ chối” dịch vụ này vì rất nhiều lý do “lãng xẹt”. Trước tình hình này, Cục Viễn thông đã tổ chức tổng kết về công tác triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số nhằm đề nghị các nhà mạng nghiêm túc thực hiện chủ trương này, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Cục Viễn thông sẽ thành lập các đoàn thanh tra việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số của các nhà mạng. Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, trong dự thảo Nghị định 174 sửa đổi quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, sẽ có điều khoản phạt các nhà mạng với số tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các trường hợp gây khó dễ hay từ chối chuyển mạng giữ số mà không có lý do chính đáng. Do đó, Cục trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị các nhà mạng cần có biện pháp sớm dứt điểm tình trạng gây khó dễ cho khách hàng.
Đối với những thuê bao có nhu cầu đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, trước khi đăng ký với nhà mạng chuyển đến, người dùng cần tới nhà mạng chuyển đi để tiến hành kiểm tra thật chắc chắn các vấn đề liên quan đến tài khoản di động của mình. Các vấn đề này có thể bao gồm việc cập nhật thông tin thuê bao, tình trạng nợ tài khoản hay các gói cước cam kết thời hạn sử dụng... Khi đã giải quyết dứt điểm các trường hợp trên với nhà mạng chuyển đi, người dùng mới nên đến đăng ký với nhà mạng chuyển đến. Điều này nhằm tránh việc dịch vụ bị từ chối và chủ thuê bao phải làm đi làm lại nhiều lần. Trong trường hợp tất cả thông tin đều đã chính xác, rõ ràng nhưng vẫn bị từ chối chuyển mạng, người dùng có thể viết thư khiếu nại và gửi cho các nhà mạng. Chủ thuê bao cũng có thể phản ánh trực tiếp vấn đề này tại mục “Hỏi - đáp” trên cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT tại địa chỉ http://mic.gov.vn/Pages/hoidap.aspx. Những khiếu nại của người dùng sẽ được tiếp nhận và phản hồi ngay tại cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT. Đó cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vấn đề này.
Các chuyên gia viễn thông cho biết, về tác động của dịch vụ này tới thị trường, theo kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian đầu áp dụng sẽ dao động rất lớn về thuê bao “dịch chuyển”, nhưng về sau sẽ bình ổn lại. Tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thường xuyên trên thế giới khoảng dưới 5%. Tại Việt Nam, mặc dù mới triển khai, nhưng các nhà mạng cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, hoàn thiện hạ tầng cũng như cung cấp đa dạng các tiện ích để thu hút, lôi kéo khách hàng; chứ không phải dựng rào cản, gây khó dễ để “trói chân” các thuê bao. Đó mới là “kế sách” phát triển lâu dài, bền vững trong một thị trường viễn thông di động đang cạnh tranh khá gay gắt và đang đi dần tới bão hòa.