Nói về tên “Nhà lưu niệm ông Sáu Dân”, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, chia sẻ: “Từ vị trí công việc của mình, tôi gắn bó với chú Sáu và gia đình như mối thâm tình từ rất lâu. Khi làm nhà lưu niệm này, chọn cái tên ông Sáu Dân bởi đó là bí danh của ông và được nhân dân nhắc và biết đến nhiều. Có lần trong chuyến đi công tác về các tỉnh miền Tây Nam bộ, tôi có nghe người dân kể lại một chuyện. Hỏi Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì người ta ngớ ra một lúc, nhưng đưa hình chú Sáu ra thì bà con vỡ òa: “Đúng rồi, ông này là ông Sáu Dân nè, ổng có tới hỏi nông dân lúa sao, nhà còn gạo không?”. Vậy đó, cái tên chú Sáu Dân, ông Sáu Dân trở thành cái tên thân tình trong lòng mọi người, nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ta gọi ngay ông Sáu Dân hay chú Sáu Dân”.
Căn nhà nơi được chọn làm “Nhà lưu niệm ông Sáu Dân” gắn với ông Sáu từ những năm đầu sau giải phóng, chung quanh chỉ có thêm 2 căn nhà nhỏ nữa, cũng là nơi diễn ra những buổi trao đổi, hội họp giữa ông Sáu cùng các lãnh đạo khác, nhưng với bà Võ Hiếu Dân (con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) nơi này còn là kỷ niệm thân thương của gia đình bà.
Những ngày này, mỗi lần trò chuyện, nhắc nhiều về ba mình, bà xúc động: “Ngôi nhà nhỏ, vỏn vẹn có mấy vật dụng vầy thôi nhưng ghi lại nhiều kỷ niệm của gia đình tôi”.
Nhà lưu niệm ông Sáu Dân là một căn nhà đậm chất Nam bộ, lưu dấu những ngày ông Sáu sống và làm việc. Đây sẽ là một địa chỉ lịch sử để lớp trẻ hôm nay, mai sau hiểu hơn bài học giản dị của người lãnh đạo, gần dân để hiểu dân, thương dân và ở lại trong lòng dân dẫu là 100 năm hay hơn thế nữa.