Câu hỏi không lời đáp
Sáng 9-4, nằm trong khuôn khổ lễ trao giải Cánh diều 2018, tọa đàm “Sáng tác điện ảnh, truyền hình 2018” được tổ chức. Như thường lệ, đây là dịp để ban giám khảo các hạng mục dự thi đưa ra những nhận định, đánh giá về từng thể loại phim. Dù là giải thưởng tôn vinh tất cả các phim từ điện ảnh, truyền hình, phim hoạt hình cho đến tài liệu, khoa học, phim ngắn, nhưng rõ ràng các phim truyện điện ảnh luôn là tâm điểm chú ý. Năm nay có 14 phim tham gia tranh giải trên tổng số 35 phim đã được phát hành trong năm qua (theo số liệu được biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cung cấp).
Cuộc tọa đàm với nhiều ý kiến sôi nổi của các nhà quản lý, chuyên gia, người làm nghề, các nhà báo…, nhưng tuyệt nhiên thiếu vắng nhân vật trung tâm - các nhà sản xuất phim tư nhân - chủ nhân của 14 tác phẩm tranh giải năm nay. Trong hội trường, chỉ có sự xuất hiện của đạo diễn Mai Thế Hiệp - “cha đẻ” bộ phim Thạch Thảo, dự án được Nhà nước tài trợ, đặt hàng năm qua.
Là một thành viên của Hội đồng nghệ thuật, khi phát biểu kết thúc tọa đàm, NSND Đào Bá Sơn thở dài: “Chúng tôi mong muốn có ý kiến của các nhà sản xuất, đầu tư phim tư nhân, nhưng đáng tiếc không có ai tham dự”. Không chỉ riêng NSND Đào Bá Sơn, trước đó rất nhiều đại biểu tham dự buổi tọa đàm cùng đặt chung câu hỏi: Tại sao các nhân vật trung tâm được đem ra mổ xẻ, phân tích rất nhiều khía cạnh của lĩnh vực điện ảnh trong năm qua, lại hoàn toàn vắng bóng? Có hay chăng, chính bản thân họ đang thờ ơ với Cánh diều? Trước đó, từng có ý kiến cho rằng, với số lượng gần 40 phim ra rạp năm qua, nhưng chỉ có 14 phim dự thi, liệu có phải các đơn vị sản xuất tư nhân không mặn mà mang phim thi thố Cánh diều.
Đại diện Hội Điện ảnh cho biết, ngay từ khi phát động giải thưởng cho đến buổi tọa đàm này, ban tổ chức đều gửi thư mời các đơn vị sản xuất, nhưng việc họ có gửi phim đi thi hay tham gia tọa đàm hay không, không thể ép buộc.
Vắng bóng người trong cuộc nên các thành viên có mặt đành... tự độc thoại. Ngay cả những bộ phim trở thành đề tài gây tranh cãi như: Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo… liên quan đến câu chuyện bạo lực học đường; các phim remake (phim làm lại), đặc biệt từ điện ảnh Hàn Quốc, cuối cùng cũng không đi về đâu. Thậm chí, một vấn đề không mới nhưng ở tầm vĩ mô hơn: Câu chuyện nhập phim ồ ạt, rạp ngoại thao túng thị trường cũng được xới lại. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ là “đánh trống bỏ dùi”.
Toàn bộ buổi tọa đàm vấn đề nêu ra thì nhiều, nghe có vẻ nóng hổi nhưng thực tình vẫn mang tính một chiều. Sẽ không có ai đảm bảo rằng, khi vấn đề này được đưa lên truyền thông, liệu các mùa Cánh diều tiếp theo, các đơn vị làm phim tư nhân có tham gia tích cực, hay thậm chí càng thờ ơ hơn?
Chuyện chưa hồi kết
Đánh giá chung về tình hình phim điện ảnh năm qua, PGS-TS Trần Luân Kim - Trưởng ban giám khảo hạng mục này, nhận định: “Mỗi phim mang một màu sắc khác nhau nhưng đều cố gắng xử lý vấn đề nêu ra. Có những phim có cách xử lý lý tưởng nhưng cũng có tác phẩm chưa thuyết phục, thể hiện cũ kỹ, dàn trải, lơ mơ”. Ông Trần Luân Kim không tiết lộ tên tác phẩm cụ thể, nhưng đánh giá, trong số 14 phim tranh giải có một phim rất kém. Với nhiều phân tích chi tiết về các khâu: biên kịch, quay phim, diễn xuất, âm nhạc, ông đưa ra nhận định ngắn gọn: Điện ảnh Việt năm qua “phấn khởi nhiều hơn buồn”.
Cùng chung quan điểm đó, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, nên nhìn điện ảnh Việt bằng con mắt tích cực, nhất là khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với phim ngoại. Đơn cử như năm 2018, 35 phim nội phải đối đầu với 230 phim ngoại nhập, trong đó có nhiều bom tấn hàng trăm triệu USD. “Đó là cuộc chiến sinh tử”, NSND Đào Bá Sơn khẳng định.
Trong số 14 phim tranh giải năm nay, chỉ có duy nhất một bộ phim điện ảnh nhà nước là Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất nhưng chưa được phát hành rộng rãi và một phim được nhà nước tài trợ kinh phí là Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp). Thực trạng này không mới, bởi những năm gần đây, khi phim tư nhân lên ngôi và áp đảo, vấn đề phim đặt hàng có nhiều rào cản, phim nhà nước ở thế lép vế, một lần nữa, câu chuyện phim nhà nước - tư nhân lại gây ra những tranh cãi căng thẳng.
Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, khi không còn phim nhà nước, thị trường để mặc phim tư nhân thao túng, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. Ông cho rằng, hiện nay các nhà làm phim chỉ tập trung vào việc kiếm tiền và những con số được đưa ra liệu có đáng tin? Đặt tiêu đề cho phần trao đổi của mình là “Nỗi lo mơ hồ là có thật”, tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú phân tích, nhà nước buông bỏ, các nhà làm phim tư nhân độc chiếm thị trường trong khi rất nhiều đơn vị không hiểu gì về làm phim, dẫn đến nhiều tác phẩm dễ dãi. Ông cho rằng, rất nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp phải chấp nhận đi làm thuê và bị chi phối bởi những người có tiền là điều đáng buồn. Tuy nhiên, ông cho rằng mình không có ý phê phán các nhà làm phim tư nhân, vì vẫn có những người thực sự muốn đầu tư làm phim nghệ thuật đúng nghĩa.
Liên quan đến câu chuyện này, theo biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, thực tế nhà nhà làm phim sẽ luôn mang đến tính 2 mặt và đó là quy luật tất yếu của thị trường. Viện dẫn nhiều ví dụ đáng buồn của điện ảnh, nhưng bà Ngát vẫn tự tin cho rằng, cần sự tiết chế để có những phim hay hơn, trong đó tối quan trọng là phải có đội ngũ làm phim với nền tảng chuyên nghiệp. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhấn mạnh, không thể lạc quan tếu nhưng rõ ràng thị trường dù chưa đột phá như mong đợi nhưng có nhiều điểm đáng mừng. Với nhiều năm làm công tác quản lý, bà Lan cũng đưa ra nhiều thông tin liên quan đến câu chuyện phim đặt hàng, đấu thầu trong điện ảnh để làm rõ luận điểm: Có hay không phim nhà nước đang bị bỏ ngỏ.
Tranh cãi thì nhiều nhưng nói như bà Ngô Phương Lan: “Trong tiến trình xã hội hóa điện ảnh cần có cái nhìn công tâm”. Và đặc biệt, mọi nhìn nhận, đánh giá phải thật sự khách quan, cần đặt để vào đúng bối cảnh thị trường điện ảnh Việt hiện nay.