Tự thân vận động
Sau 7 năm từ bộ phim Chạm (Touch), đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh vừa ra mắt bộ phim độc lập thứ hai mang tên Vai diễn đổi đời (Actress Wanted). Phim được đánh giá đầy tinh tế, mới lạ, nhưng để ra mắt khán giả còn là hành trình truân chuyên. Anh kể: “Sau 7 năm mới làm được phim thứ hai, tôi vẫn kiên định con đường phim độc lập. Tôi cố gắng thực hiện phim với số vốn ít nhất có thể, mọi thứ đều thật tiết kiệm. Phim rất ít bối cảnh, những gì có thể tự làm, tôi đều làm hết. Riêng việc dựng phim, cũng mất cả năm trời”.
Lê Bình Giang, đạo diễn phim Kfc cũng mất 3 lần quay trong gần 5 năm để hoàn thành tác phẩm đầu tay. “Đầu tiên và lớn nhất là câu chuyện kinh phí làm phim, tiếp đến là chuyện tìm những người đồng hành (sản xuất, diễn viên, đạo diễn hình ảnh…). Vì làm phim độc lập thời gian thường lâu hơn, có khi kéo dài đến vài năm nên phải là những người thật sự yêu mến và tâm huyết mới đồng hành cùng mình...”, anh nói.
Liên quan đến kinh phí, Nhắm mắt thấy mùa hè (đạo diễn Cao Thúy Nhi) cũng đầy trần ai. Chỉ trước khi bấm máy, 30 công ty, nhà đầu tư đã nhất loạt từ chối hỗ trợ, thậm chí có thời điểm, đoàn phim còn không được cấp visa sang Nhật - bối cảnh chính trong phim… Dự án những tưởng phải hủy bỏ nếu không có sự quyết tâm lớn.
Là người đã gắn bó với không ít nhà làm phim độc lập, gần đây nhất là tác phẩm Người vợ ba, nhà sản xuất (NSX) Trần Thị Bích Ngọc cho biết, công việc làm phim nói chung là nhọc nhằn. Với nhà làm phim độc lập, chông gai nhiều hơn, gần như phải đối mặt với tất cả mọi chuyện, từ tìm tài chính cho đến sản xuất, phát hành... “Phim độc lập cứ chảy song song và lặng lẽ trong một thị trường tuy nhiều tiềm năng nhưng phim giải trí luôn chiếm ưu thế”, chị nhận định.
Giải bài toán khó
Để giải bài toán kinh phí làm phim, mỗi người có cách khác nhau. Cao Thúy Nhi đã phải cầm cố nhà. Lê Bình Giang cũng rút ra kinh nghiệm xương máu: “Theo tôi nên cố gắng xin từ các quỹ điện ảnh nước ngoài, dù đây là việc làm không hề dễ dàng. Nếu xin người quen như cách tôi làm với Kfc, có thể họ vẫn cho nhưng không nhiều, lại mất rất nhiều thời gian. Đó là lý do, phim của tôi mất gần 5 năm mới hoàn thành”.
Có thành công và cả thất bại khi đồng hành cùng các dự án phim đi tìm kinh phí từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài, NSX Bích Ngọc cũng khẳng định, đó là quá trình chông gai, nhiều quy định ràng buộc khá phức tạp. “Cũng không vì thế mà mình bỏ qua nó. Mỗi lần được lựa chọn tham dự các quỹ hỗ trợ điện ảnh hay chợ dự án, cái được đầu tiên là mình có cơ hội để giới thiệu về một câu chuyện muốn kể cho khán giả. Mình phải cố gắng làm sao trong một khoảng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với các hãng sản xuất, nhà đầu tư, cho họ thấy được câu chuyện và tầm nhìn của đạo diễn cũng như của bản thân mình trong vai trò là sản xuất”, NSX Bích Ngọc nhận định.
Trên thực tế, nhiều phim Việt: Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung, Chơi vơi, Người vợ ba, 16:30, Tro tàn rực rỡ, Cha Cha Cha, Culi không bao giờ khóc, Vị… đã ra mắt hay đang sản xuất cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài. Với thời gian làm phim dài, theo NSX Bích Ngọc: “Nếu may mắn thì có được một ê kíp hiểu mình và hỗ trợ đến cùng, nhưng sẽ có bao nhiêu ê kíp có thể theo bạn như vậy suốt cả đời sáng tác, nếu mình cứ mãi rơi vào hoàn cảnh không đủ tiềm năng tài chính để trả cho họ?”. Lê Bình Giang thừa nhận, mình may mắn vì cuối cùng tất cả đã đi cho đến khi phim hoàn thành. Nhưng trong 5 năm ấy đã nảy sinh nhiều vấn đề: diễn viên thay đổi ngoại hình, các bộ phận khác cũng có những thay đổi về tư duy, lối sáng tạo… Do đó, quá trình hậu kỳ khó khăn gấp bội.
Làm phim đã khó, để phim đến với số đông càng khó hơn. Kfc hiện nay chưa có buổi chiếu chính thức nào, dù đã chu du hơn 20 LHP quốc tế lớn nhỏ. Tuy nhiên, nói như NSX Trần Thị Bích Ngọc: “Thiếu đi những tiếng nói cá nhân độc đáo và sáng tạo, điện ảnh chỉ còn là thức ăn nhanh của tinh thần. Lý tưởng nhất vẫn là cân bằng được giữa những phim giải trí cho số đông và những phim buộc ta phải day dứt, đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản thân ta, về cuộc đời rộng lớn này hay là về chính ngôn ngữ của điện ảnh...”.
Sẽ có những phim độc lập Việt đi ra được với thế giới, dù rằng cần thời gian, rất nhiều đầu óc thông minh, biết “chiến đấu” để Việt Nam có được một tiếng nói quan trọng trong nền điện ảnh thế giới. Do đó, muốn làm được chỉ có nhẫn nại và đối xử tốt và gìn giữ các tài năng.