Sau khi hoàn thành hạng mục cầu ô tô số 9 trên tuyến quốc lộ 15, huyện Can Lộc (nằm trong Dự án nâng cấp kênh chính Linh Cảm - thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, giai đoạn 2, tỉnh Hà Tĩnh) theo hồ sơ thiết kế cao hơn cầu cũ 1,58m, đường dẫn hai đầu cầu cũng được nâng lên dẫn đến đường cao hơn so với nhà ở của các hộ dân.
Việc đường nâng cao đã chắn sát cửa ra vào, khi có mưa nước cuốn theo đất đá tràn vào nhà khiến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của nhiều hộ dân ở thôn Tân Tiến (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bị đảo lộn (có hộ phải thuê nhà khác để ở vì không thể sinh hoạt được). Tuy nhiên, các hộ này đều nằm ngoài mốc giải phóng mặt bằng dự án nên quá trình kiểm đếm không đưa vào phương án bồi thường và không nằm trong thẩm quyền của UBND huyện Can Lộc cũng như Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh có thể giải quyết được.
Ông Phan Đình Ngọc phải làm cầu thang lên xuống, ra vào nhà. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Gia đình ông Phan Đình Ngọc (78 tuổi, ở thôn Tân Tiến, Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) có 3 ngôi nhà liền kề nhau được xây dựng từ các năm 1995, 1997 và 2001. Trước đây, nhà cao hơn mặt đường nhưng sau khi hoàn thành hạng mục xây dựng, nâng cao mặt đường cầu ô tô số 9 trên quốc lộ 15, nhà ông không chỉ thấp hơn mặt đường mà còn bị bịt kín luôn cửa chính ra vào. Hết cách, gia đình ông buộc phải mở cửa bên hông nhà, rồi hàn các khung sắt làm thành cầu thang để đi lên xuống, ra vào nhà.
Cổng chính bị bịt kín nên ông Phan Đình Ngọc phải làm cầu thang lên xuống, ra vào nhà. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Ông Phan Đình Ngọc cho biết, từ khi mặt đường đầu cầu ô tô số 9 trên quốc lộ 15 được nâng cao (đường cao hơn nhà 2,4m), nhà như hầm. Cuộc sống quá sức vất vả, khó khăn. Khi trời nắng, xe cộ qua lại ngoài đường khiến bụi bặm cuốn xuống nhà bám thành lớp, rất bí bách. Khi trời mưa gió, nước trên đường chảy ào ạt xuống nhà gây ngập 1-1,2m, kéo theo đó là các loại rác thải bẩn, đất cát... Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ bị nhiễm điện, gia đình phải ngắt hết nguồn điện, kê dọn đồ đạc lên cao, khổ sở vô cùng...
Nhà của ông Phan Đình Ngọc trở thành hầm sau khi nâng đường phía trước. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
"Hiện nay, hai vợ chồng tôi đã lớn tuổi, con cái đi làm ăn ở xa, bản thân tôi là thương binh, mỗi khi ra được nhà rồi là không muốn về lại, còn đã về nhà rồi thì lên xuống rất khó khăn. Người ngoài cũng rất ngại vào nhà vì nhà như cái hầm... Thời gian qua, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, mong muốn được hỗ trợ kinh phí để đổ đất san lấp mặt bằng ngang với đường đi, làm lại nhà mái tôn ở tạm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…”, ông Ngọc bức xúc.
Ông Phan Đình Ngọc bên cổng chính của nhà đã bị đường bịt kín cao 2,4m. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Tương tự, đối diện với nhà ông Phan Đình Ngọc, gia đình bà Trần Thị Thanh (59 tuổi, ở thôn Tân Tiến, Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng lâm cảnh bi đát kể từ khi hạng mục đường dẫn hai đầu cầu ô tô số 9 trên quốc lộ 15 được nâng cao. Ngôi nhà ngói cấp 4 mốc meo, lụp xụp của gia đình bà Thanh được xây dựng từ lâu, trước đây nhà cao hơn mặt đường nhưng hiện tại sân và nền trong nhà thấp hơn mặt đường rất nhiều.
Khoảng tháng 8-2022, gặp đợt mưa lớn, nước từ đường đổ vào nhà, người nhà bà Thanh sống trong cảnh nước ngập đến bụng nhiều ngày liền. Để đảm bảo an toàn, gia đình phải phá bỏ phòng khách phía trước (vì sợ nguy cơ nhà sập) và chuyển sang sống, sinh hoạt trong phòng ngủ và khu vực bếp phía sau; đồng thời xây bịt kín hoàn toàn 2 cửa chính nối phòng ngủ với phòng khách để ngăn nước, rác thải và bụi bặm tràn vào. Mưa lớn, vườn cũng không có chỗ thoát nước, ngày qua ngày, nước thấm qua tường vào phòng ngủ, khổ trăm bề. Hiện gia đình bà Thanh phải mở thêm cửa và cổng phụ, xây gạch táp lô thêm 9 bậc tam cấp để làm đường ra vào từ phía sau nhà.
Bà Trần Thị Thanh bức xúc khi đường nâng cao khiến cuộc sống gia đình khó khăn. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
"Từ khi mặt đường nâng cao hơn nhà khoảng 2-3m càng khiến cuộc sống của gia đình tôi lâm vào khổ sở, bức bí, bất tiện. Năm con người phải sống trong ngôi nhà chật chội, ẩm thấp, xuống cấp. Nhiều lúc mưa to, nước tràn vào nhà, ngập tận giường ngủ, giữa đêm cả nhà phải dậy tát nước, di chuyển đồ đạc. Hiện tại hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đau ốm, còn tôi thì mấy năm trước bị tai nạn gãy chân, tay nên giờ chủ yếu phụ thuộc vào nghề buôn bán nhỏ nhưng giờ đường làm cao quá, vbuôn bán ế ẩm...”, bà Thanh chia sẻ.
Bà Trần Thị Thanh đã xây bịt kín 2 cửa vào phòng ngủ để ngăn nước và rác thải tràn vào. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Sau khi hạng mục cầu ô tô số 9 trên tuyến quốc lộ 15 được nâng cao, không chỉ cuộc sống người dân hai bên đường ở thôn Tân Tiến bị ảnh hưởng, nhiều ki ốt kinh doanh trên tuyến đường này cũng gặp khó khăn, vắng khách, do ki ốt thấp hơn mặt đường.
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Xuân Chương cho biết, thời gian qua, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên, các sở, ban ngành kiểm tra, xem xét thực tế để có phương án giải quyết cho người dân càng sớm càng tốt, nhất là trước mùa mưa bão sắp tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Từ nhà bà Trần Thị Thanh nhìn lên quốc lộ 15. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Ông Trần Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, các hộ dân ở thôn Tân Tiến dù thực tế đời sống vất vả, bất tiện nhưng không thuộc diện giải phóng mặt bằng dự án nên không nằm trong mục hỗ trợ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh quy định. Hiện nay, địa phương vẫn đang thống kê, rà soát lại và kiến nghị tỉnh xem xét xử lý phù hợp, để ổn định đời sống người dân, còn việc hỗ trợ như thế nào thì cần phải căn cứ vào luật.
Đường dẫn hai đầu cầu ô tô số 9 trên tuyến quốc lộ 15 (thôn Tân Tiến, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Ông Nguyễn Trọng Tâm, Giám đốc Quản lý Dự án kênh chính hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 2) cho biết, địa phương đang kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để nghiên cứu chính sách, xin chủ trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Về kinh phí hỗ trợ các hộ dân sẽ sử dụng từ nguồn của dự án chuyển về cho huyện chi trả. Còn quá trình thi công dự án đảm bảo theo đúng tiến độ và làm theo hồ sơ thiết kế.
Hiện trường thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19, đoạn qua xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cũng nhiều cảnh nhếch nhác; đường cao bịt lối ra hàng chục nhà dân. Ảnh: NGỌC OAI |