Dự án này được bang Bắc Rhine-Westphalia tài trợ, nằm trong chương trình “Tòa nhà sáng tạo” của bang. Bà Ina Scharrenbach, Bộ trưởng về nhà ở, cộng đồng, xây dựng và bình đẳng giới của bang, nhấn mạnh, ngôi nhà đánh dấu sự đổi mới trong ngành xây dựng và kiến trúc hiện đại. “Việc chúng ta cần làm hiện nay là tích lũy kinh nghiệm xây dựng và thiết lập quy trình sản xuất trên quy mô thị trường. Bởi, chỉ có tăng số lượng nhà xây mới thì mới có thể giúp người dân thuê hoặc mua nhà với giá hợp lý”, bà Scharrenbach nói.
Ngôi nhà in 3D này chỉ mất 2 tuần để xây dựng và giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến môi trường. Theo Giáo sư Manfred Kurbach thuộc Viện Xây dựng nguyên khối tại Đại học Kỹ thuật Berlin, việc thay thế thép bằng carbon có thể giúp tiết kiệm khoảng 50% vật liệu khi dựng nhà. Nếu tiến tới tạo ra các cấu trúc bằng cách sử dụng bê tông carbon, khoản tiết kiệm có thể lên tới 80% và nhờ đó có thể giảm lượng khí thải carbon xuống mức tương tự. Ngoài ra, ngôi nhà có thể được tái chế khi hết thời gian sử dụng.
Tuy có rất nhiều ưu điểm nêu trên, nhưng ngôi nhà in bằng công nghệ 3D vẫn đang trong qúa trình đợi cộng đồng đón nhận. Phần lớn các nghi ngại xoay quanh câu hỏi, ngôi nhà này sẽ hoạt động thế nào và liệu có thể thực sự sống trong một ngôi nhà được in ra không?