Theo Ủy ban Nobel Na Uy, cá nhân và tổ chức đoạt giải đã đại diện cho xã hội dân sự ở đất nước của họ. Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen tuyên bố, Ủy ban muốn trao giải Nobel Hòa bình cho các cá nhân và tổ chức trên vì muốn tôn vinh “nhân quyền, dân chủ cùng tồn tại hòa bình” ở 3 quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine.
Trước đó, giới quan sát nhận định trong bối cảnh bức tranh địa chính trị của thế giới đang ảm đạm với các cuộc xung đột và nạn phân cực ngày càng tăng, khó có thể dự đoán chính xác chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay.
Năm nay, có 251 cá nhân và 92 tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, cao thứ hai trong lịch sử, sau năm 2016. Những cá nhân có khả năng giành chiến thắng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông gồm: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Sviatlana Tsikhanouskaya - chính trị gia phe đối lập ở Belarus, Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển, Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe... bên cạnh các tổ chức như Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Đoàn kết dân tộc Myanmar, báo The Kyiv Independent...
Nhà vận động nhân quyền Ales Bialiatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và tổ chức nhân quyền Ukraine Trung tâm tự do dân sự sẽ cùng chia nhau giải thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (gần 900.000 USD).