Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM: Vững vàng vượt khó

Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM: Vững vàng vượt khó

Ngày 9-9-1994, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn chương trình nghệ thuật đầu tiên. Ban đầu chỉ có 12 thành viên, nhà hát đã khởi động trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ.

Trải qua chặng đường 20 năm, vượt qua bao thử thách và khó khăn, nhà hát đã xây dựng được đội ngũ nghệ sĩ tài năng, tổ chức được nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng. Trao đổi cùng PV Báo SGGP, NSƯT Trần Vương Thạch (ảnh), Giám đốc HBSO, người gắn bó với nhà hát từ những ngày đầu, nói:

Còn nhớ, thời mới đi du học về, có bao nhiêu tiền tôi đều dồn mua sách, những bản tổng phổ, bài nhạc để đem về nước. Chính nhờ đống sách ấy tôi mới làm việc được trong những năm đầu tại nhà hát. Giai đoạn mới thành lập, nhà hát rất thiếu thốn. Tôi về làm việc vào tháng 7-1996, lúc ấy rất ít chương trình biểu diễn. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi thầy Ca Lê Thuần, rồi bày tỏ nỗi niềm cùng các anh trong ban giám đốc. Mấy anh em nghệ sĩ tâm huyết đã ngồi lại với nhau, bàn bạc, tìm kiếm, tập hợp anh em nghệ sĩ, nhạc sĩ về hợp tác với nhà hát để tổ chức chương trình biểu diễn. Lúc ấy còn thiếu nhiều nhạc cụ, chúng tôi đi xin khắp nơi, tìm mua nhạc cụ cũ về sửa lại xài đỡ. Sau này được nhà nước đầu tư mua nhạc cụ, anh em rất mừng… Tập hợp được anh em nghệ sĩ rồi, tôi đưa ra ý tưởng nhà hát cần phải diễn thường xuyên, định kỳ hàng tháng tại Nhà hát Thành phố. Ý tưởng này được áp dụng và ngày càng phát huy mạnh mẽ. Từ 1 đêm/tháng, nhà hát đã tăng lên 3 đêm diễn (vào ngày 9, 19 và 29) hàng tháng, với những chương trình nghệ thuật khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khán giả.

* Phóng viên:
Trong những năm gần đây, có phải việc hợp tác với các đối tác quốc tế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp nhà hát hoạt động sôi nổi, ấn tượng và chất lượng hơn?

* NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCH: Nhà hát đã liên kết hợp tác với nhiều đơn vị nghệ thuật như Na Uy, Viện Goethe, Tổng Lãnh sự Hà Lan, Pháp, Mỹ, Hội đồng Anh, sắp tới là Trung tâm Nghệ thuật Kennedy, dàn nhạc Malaysia… Từng bước, chúng tôi đặt ra mục tiêu: ban đầu là hợp tác, biểu diễn của các diễn viên nước ngoài trên sân khấu nhà hát, giúp diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam có điều kiện học hỏi, rút kinh nghiệm, để trong tương lai gần, các nghệ sĩ Việt Nam có thể tự tin trình diễn những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam và quốc tế.

* Với mảng sáng tác và xây dựng các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm Việt Nam, nhà hát quan tâm đầu tư và thực hiện như thế nào?

* Bên cạnh kịch mục biểu diễn các tác phẩm quốc tế đặc sắc của các danh tác, nhà hát chú trọng việc xây dựng những tác phẩm Việt Nam. Thời gian qua, chúng tôi đã giới thiệu với công chúng nhiều vở vũ kịch Việt Nam độc đáo như: Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên, Mặt trời trong tim, Chuyện tình non sông, nhạc kịch Người giữ cồn của GS-NS Ca Lê Thuần, giới thiệu những tác phẩm mang đậm phong cách âm nhạc Việt Nam của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, Ca Lê Thuần, Vĩnh Lai, Hoàng Cương, Đỗ Hồng Quân, Trọng Bằng, Trương Châu Mỹ, Lê Khiêm… được khán giả đón nhận trân trọng. Định hướng này là con đường phát triển lâu dài, được các thế hệ ban giám đốc nhà hát chú trọng trong suốt những năm qua và trong tương lai.

* Dường như lực lượng nghệ sĩ của nhà hát hiện vẫn còn ít so với chuẩn của một nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch cần phải có?

* Một dàn nhạc giao hưởng đúng chuẩn cần hơn 200 người mới đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động, tổ chức biểu diễn. Nhưng hiện tại, nhà hát mới có khoảng 120 người để lo mọi việc: tổ chức biểu diễn, quảng cáo, thiết kế, hành chính, diễn viên, nhạc sĩ, hậu đài… Trong đó, chỉ có 73 người được định biên, số còn lại nhà hát phải tự tìm nguồn thu, tạo ngân sách để trả lương cho anh em, đây là một vấn đề rất khó khăn. Thực tế, thu nhập bình quân của anh em cao nhất là 6 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3 triệu đồng/tháng. Với mức lương ấy, nhiều nghệ sĩ phải tất tả làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Tôi rất xót xa khi thấy chế độ đãi ngộ các tài năng nghệ thuật hiện nay chưa xứng với những nỗ lực, cố gắng, công sức và tâm huyết mà anh em đã cống hiến trong suốt những năm qua.

* Ông hy vọng gì vào sự phát triển của nhà hát trong tương lai?

* Từ dàn nhạc giao hưởng nhỏ, diễn các loại cổ điển, tiền cổ điển, bây giờ nhà hát đã có một dàn nhạc giao hưởng tương đối khá về số lượng và trình độ, có thể chơi được những danh tác thế giới. Hai đoàn vũ kịch và nhạc kịch cũng phát triển ngày càng vững chắc. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ kịch mục, nhạc cụ, phục trang, đạo cụ, cảnh trí… chỉ cần có một sân khấu ổn định là chúng tôi có thể biểu diễn thường xuyên. Hy vọng, nhà hát sớm có nhà để được “an cư lập nghiệp”. Từ nay đến cuối năm 2014, nhà hát sẽ liên tục biểu diễn các tác phẩm đặc sắc: vở ballet hài kịch nổi tiếng Cô bé búp bê của Leo Delibes Coppelia, nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế. Tháng 10-2014, nhà hát sẽ tham gia Liên hoan các dàn nhạc giao hưởng châu Á ở Tokyo. Năm 2015, nhà hát có nhiều chương trình phục vụ những ngày lễ lớn của đất nước. Đặc biệt, Liên hoan Giai điệu mùa thu sẽ được tổ chức như là một liên hoan nghệ thuật của TPHCM chứ không đơn thuần là một chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm như trước đây. Liên hoan nghệ thuật mở rộng này sẽ làm từ 7 đến 10 đêm, với sự góp mặt trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, dàn nhạc kèn Na Uy, dàn nhạc đến từ Mỹ, Đức, đoàn múa đương đại Bỉ…

BẢO LÂM

Tin cùng chuyên mục