Nguy cơ hiện hữu
Thời gian qua trên địa bàn TPHCM đã xảy ra một số vụ cháy nổ liên quan đến các nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Như vụ ở nhà hàng tiệc cưới Minh Phú (ở số 146 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9), trong lúc cô dâu và chú rể đang thực hiện nghi thức cắt bánh kem trên sân khấu thì bất ngờ có vài tiếng nổ nhỏ và ngọn lửa phát ra từ trần nhà, tất cả quan khách hốt hoảng la hét rồi mạnh ai bỏ chạy thoát thân.
Rồi vụ việc bảng hiệu quảng cáo của nhà hàng tiệc cưới Tây Thạnh (ở đường Tây Thạnh, quận Tân Phú) đột nhiên bùng cháy khiến nhiều thực khách đang dự tiệc cũng hoảng hốt bỏ chạy. Năm 2016, đám cháy bùng phát tại tầng 3 của công trình xây dựng Trung tâm Hội nghị, tiệc cưới Western Place (ở đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10). Khói lửa nhanh chóng lan rộng khiến người dân trong khu vực hoảng loạn vì sợ cháy lan...
Những vụ cháy nổ trên tuy không gây thương vong về người, nhưng đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của thành phố. Đồng thời, đó cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng tiệc cưới.
Trăn trở hơn, trong một phiên thảo luận của HĐND TPHCM, chính Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng phải bày tỏ: “Tôi thấy nhiều nhà hàng chỉ có một cửa ra vào, bên trong chứa cả ngàn con người. Chỉ cần một nhóm người hoảng loạn thôi là cả ngàn người sẽ giẫm đạp nhau để thoát thân, dễ dẫn đến chết người rồi chứ chưa cần xảy ra cháy”.
Nhà hàng tiệc cưới là cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; vì vậy, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ (CNCH) dành cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, thông qua các đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với những nhà hàng tiệc cưới đóng trên địa bàn, lực lượng PCCC Công an TPHCM đã không ít lần chỉ ra những tồn tại, thiếu sót phổ biến tại nhiều cơ sở, như kho chứa gas không lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ, không trang bị đủ số lượng dụng cụ chữa cháy và đèn chiếu sáng không đúng chủng loại.
Khu vực bếp là nơi thường xuyên sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu và nguồn nhiệt tỏa ra rất cao, thế nhưng các phương tiện chữa cháy tại đây không đảm bảo, lại thêm không ít nhân viên trực tiếp làm việc tại khu vực nhà bếp tỏ ra lúng túng khi được yêu cầu thao tác sử dụng bình chữa cháy xách tay. Không gian bên trong phòng đãi tiệc có sức chứa lên đến cả ngàn người, được bố trí rất nhiều bàn ghế, phông màn là chất dễ cháy, nhưng lối thoát nạn không đủ về số lượng lại còn bị cản trở.
Thêm nữa, trong quá trình đãi tiệc có một số món ăn cần phải sử dụng đến bếp gas, bếp cồn mini để đun nóng. Khu vực sân khấu - nơi diễn ra các phần nghi lễ với tiết mục bắn pháo hoa chào mừng, cùng với đó là hệ thống thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn được đấu nối sơ sài, tạm bợ... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những nguy cơ gây mất an toàn PCCC vẫn đang hiện hữu rất rõ tại nhiều nhà hàng tiệc cưới.
Để ngày vui trọn vẹn
Thiếu tá Phạm Hữu Nam, Phó Đội trưởng Đội công tác phòng cháy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM khẳng định: “Trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC đối với các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC nói chung, cũng như đối với các cơ sở nhà hàng tiệc cưới nói riêng đóng trên địa bàn TPHCM thời gian qua, tại hầu hết cơ sở nếu phát hiện các vi phạm gây mất an toàn PCCC, chúng tôi đều tiến hành hướng dẫn biện pháp khắc phục, cũng như lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Còn trường hợp một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng, hoặc mắc phải những vi phạm trực tiếp phát sinh nguy cơ cháy nổ, chúng tôi cũng kiên quyết kiến nghị và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.
Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, theo đại diện Công an TPHCM, để việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, CNCH tại các nhà hàng tiệc cưới đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới thì yêu cầu tiên quyết nhất là người đứng đầu cơ sở phải phát huy tối đa vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về PCCC tại cơ sở của mình. Trong đó, các cơ sở cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với một số khu vực dễ phát sinh cháy nổ như khu vực nhà bếp phải trang bị đầy đủ thiết bị PCCC, nhân viên được huấn luyện và cấp chứng chỉ về PCCC theo quy định. Khu vực sân khấu không nên tổ chức tiết mục bắn pháo hoa; phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trước khi vận hành, không câu mắc bừa bãi các thiết bị tiêu thụ điện vượt công suất cho phép để tránh phát sinh chạm chập dẫn đến cháy nổ. Trong mọi trường hợp phải luôn đảm bảo điều kiện an toàn lối thoát nạn, có phương án và bố trí lực lượng sẵn sàng hướng dẫn, trợ giúp mọi người thoát hiểm an toàn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Đôi với các đôi uyên ương - chủ nhân chính của các buổi tiệc cưới - nên có sự tìm hiểu, lựa chọn cơ sở nhà hàng tiệc cưới có uy tín, đảm bảo tốt quy định về an toàn PCCC. Đặc biệt, cô dâu chú rể cũng nên hạn chế một số yêu cầu có thể gây mất an toàn phòng chống cháy nổ trong ngày vui trọng đại của mình. Còn đối với quan khách dự tiệc cưới nên hạn chế hút thuốc, không mang theo các chất dễ cháy nổ vào không gian tổ chức tiệc cưới. Khi không may xảy ra cháy nổ, cần giữ bình tĩnh và nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên cơ sở để có thể thoát nạn an toàn.