Nhà giáo nỗ lực vượt “rào cản” 4.0

Giáo dục đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới, trong đó giáo viên được xem là một trong những yếu tố quyết định hàng đầu. 

Không chỉ giúp học sinh hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, các thầy cô còn đóng vai trò truyền lửa, giúp học sinh thích ứng với những thay đổi liên tục của khoa học công nghệ. Song, làm sao để phát huy sức mạnh tập thể đó đã và đang là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý. 

Khắc phục trở ngại tâm lý  

Mới đây, tại Diễn đàn giáo dục sáng tạo do Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Chương trình ETEP, nguyên Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng rào cản lớn nhất đối với giáo viên trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) chính là… bản thân họ.

Vị này phân tích, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những yêu cầu bắt buộc về năng lực hành nghề đối với giáo viên. Như vậy, cơ sở pháp lý đã có, vấn đề còn lại là ý thức của mỗi người. Qua nhiều năm làm công tác quản lý, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng nêu thực tế, đội ngũ giáo viên hiện nay đang chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên dưới 35 tuổi là những người có ý thức cao về yêu cầu đổi mới, tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Nhóm thứ 2 là những giáo viên trong độ tuổi 36 - 45, có khả năng tiếp cận công nghệ khá tốt, biết làm chủ các ứng dụng công nghệ. Nhóm thứ 3 cũng là nhóm cần tác động nhiều nhất - những giáo viên trên 45 tuổi.

Nhà giáo nỗ lực vượt “rào cản” 4.0 ảnh 1 Một tiết học xây dựng theo định hướng trường học thông minh tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)

“Đối với các thầy cô ở nhóm tuổi này, khó khăn trong thực hiện đổi mới không phải đến từ năng lực mà do ngại ngần về mặt tâm lý, thiếu tự tin, rụt rè trước các yêu cầu tiếp cận công nghệ. Tuy hiện nay tình trạng này đang dần được cải thiện nhưng vẫn đòi hỏi nhiều tác động căn cơ hơn về mặt quản lý”, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng bày tỏ. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng giáo viên hiện nay có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của yêu cầu đổi mới. Trong đó, bản thân mỗi người phải tự xây dựng tâm huyết và đam mê ứng dụng khoa học công nghệ.

Ở góc độ khác, theo PGS-TS Chu Cẩm Thơ, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một bộ phận giáo viên hiện nay đang có tình trạng “bơ vơ về nhận thức”. Theo đó, các thầy cô dù có tâm huyết, lòng yêu nghề nhưng loay hoay không biết làm gì trước những yêu cầu đặt ra của xã hội.

“Các thầy cô có thể suốt ngày nói về công nghệ 4.0 nhưng không được làm hàng ngày, có hiểu biết nhưng không ứng dụng thì cũng xem như không biết gì cả. Tôi từng làm việc với nhiều thầy cô có chuyên môn tốt, kiến thức vững vàng nhưng không kết hợp được với công cụ, khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng”, PGS-TS Chu Cẩm Thơ cho biết. 

Cần phát huy nhiều yếu tố đồng bộ

Bày tỏ quan điểm về những trở ngại của giáo viên trong quá trình đổi mới, bà Trương Hồ Trâm Anh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11), chia sẻ nếu bản thân giáo viên sẵn sàng đổi mới nhưng lãnh đạo không ủng hộ, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính không cho phép, sẽ không đạt được thành công.

Dẫn chứng điều này, cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TPHCM, bày tỏ từng có rất nhiều giáo viên sau khi đi tập huấn công nghệ thông tin về đã không áp dụng được, do không được tạo điều kiện. Có người vì chịu áp lực của nhu cầu cơm áo gạo tiền, trong đó lương và chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên chưa tương xứng khiến năng lực bị “kìm chân”.

Mặt khác, theo PGS-TS Chu Cẩm Thơ, các chính sách đổi mới hiện nay đã có nhưng chưa đủ, chưa tạo được động lực cho giáo viên thực hiện. Nhà giáo này phân tích, trong cùng một trường học, nếu chỉ có một giáo viên sử dụng bảng tương tác, áp dụng các phương pháp đổi mới thôi chưa đủ, mà phải cả trường cùng làm, đưa đổi mới thành hoạt động thường xuyên mới mang lại thành công và hiệu quả lâu dài. Vì vậy, đổi mới là yêu cầu không chỉ đối với giáo viên mà cần sự vào cuộc của cả cán bộ quản lý và tập thể sư phạm.    

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay các chính sách đã mở cửa rất nhiều trong việc thực hiện và phát huy vai trò của xã hội hóa, huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục. Với thuận lợi đó, phong trào phát triển giáo dục 4.0 đang lan rộng ở nhiều trường học với nhiều hình thức, có sức ảnh hưởng và lan tỏa khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), muốn thực hiện giáo dục thông minh, giáo viên trước hết phải hiểu đúng thế nào là trường học thông minh, sau đó xác định các phương pháp phù hợp để triển khai.

Nhà giáo này nhấn mạnh, “thông minh” cần được hiểu đúng là mỗi người dạy phải luôn sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào chương trình giảng dạy, đưa các tình huống thực tế vào việc mô tả bài học một cách trực quan, sinh động, xây dựng bài giảng linh hoạt chứ không cứng nhắc theo một khuôn khổ nhất định. Như vậy, thay vì nhắm mắt chạy theo các thiết bị, công nghệ hiện đại, trường học cần có sự đầu tư thỏa đáng về mặt con người, bởi giáo dục thông minh không chỉ nhờ công cụ mà cần những “cái đầu” thông minh, phương pháp thông minh.

Hiện nay, TPHCM đang chuẩn bị thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến việc cung cấp mặt bằng giá trị ngang nhau cho tất cả giáo viên. Đây được xem là một trong những nỗ lực của thành phố trong việc cải tiến chất lượng từ gốc, qua đó phát huy năng lực sáng tạo và tư duy của mỗi giáo viên. 

Tin cùng chuyên mục