Nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải làm hồ điều tiết chống ngập

Ngày 10-7, trong phiên thảo luận tại hội trường của Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM yêu cầu những nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50-100ha trở lên thì phải có hồ điều tiết. 
Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dùng bơm hút nước là giải pháp tích hợp

ĐB Huỳnh Đăng Linh bày tỏ quan tâm về tình hình thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. ĐB đề nghị, TPHCM có giải pháp căn cơ trong chống ngập, còn nếu cứ ngập lại mang máy bơm ra bơm thì chỉ là giải pháp tạm thời.

Nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải làm hồ điều tiết chống ngập ảnh 1 Đại biểu Huỳnh Đăng Linh phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề cập đến trách nhiệm của nhà đầu tư, ĐB Trần Quang Thắng đề nghị, các nhà đầu tư nào có ý định xây nhà cao tầng, cần đóng thêm phí để chống ngập. ĐB dẫn chứng đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nhiều, có máy bơm tăng cường nhưng đây chỉ là tạm thời. Còn giải pháp khác nữa đang triển khai là nâng đường, dự kiến tốn phí lên đến 500 tỷ đồng. Tiền tốn kém đó thực ra là tiền của người dân TPHCM. Vì thế, TPHCM cần tính phí cho chủ đầu tư nào làm dự án xây nhà cao tầng, đó là phí dự phòng cho chống ngập.

Nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải làm hồ điều tiết chống ngập ảnh 2 Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trao đổi về việc giảm ngập, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình thẳng thắn, nếu đơn lẻ nói về chỉ tiêu 5 năm vừa qua thì bức tranh công tác chống ngập trên địa bàn TPHCM chưa rõ. Song, ông Lê Hòa Bình cho rằng, việc giảm ngập cũng có chuyển biến. Từ năm 2008 đến nay, TP đã giảm từ 126 điểm ngập do mưa xuống còn 40 điểm vào năm 2014 và hiện nay còn 15 điểm. Số trận ngập cũng ít hơn, thời gian ngập cũng giảm nhiều. Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Xây dựng TPHCM ghi nhận, nếu có mưa với vũ lượng vượt qua 95mm thì bị ngập xâm xấp nước, nước tự thoát sau 30-40 phút.

Về đề nghị của ĐB cần có giải pháp căn cơ hơn việc dùng bơm chống ngập, ông Lê Hòa Bình lý giải, dùng bơm hút nước là giải pháp tích hợp trong chống ngập, cùng với giải pháp đê kè, sử dụng van ngăn triều... Ông Lê Hòa Bình cho hay, đường Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến hoàn tất vào tháng 6-2021, hiện nay, đoạn nào đã hoàn tất, thảm nhựa đẹp thì thông thoáng, không còn ngập nước.

Việc giảm ngập do triều từ năm 2018 đến nay, theo Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng giảm đáng kể. Kết quả cho thấy, giải pháp tích hợp – giải pháp công trình, phi công trình - thực hiện giảm ngập ở TPHCM có bài bản, căn cơ, có ngắn hạn, có lâu dài. Sắp tới, việc giảm ngập có nhiều cải tiến, cải thiện.

Để ven sông ngập nước tự nhiên hơn là bơm đất xây nhà

Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi với các ĐB HĐND TPHCM về các vấn đề ĐB đặt ra. Ông Võ Văn Hoan cho hay, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu là dự án rất quan trọng với TPHCM. Dự án có quy mô lớn về vốn, là tổ hợp phức tạp, kể cả về tổ chức thi công, quản lý vận hành. Việc vận hành không đơn giản, vì vừa kiểm soát triều, vừa kiểm soát lũ, mưa; vừa kiểm soát lưu lượng nước, đồng thời phải tạo điều kiện cho giao thông bình thường. Quản lý vận hành cũng không chỉ cho dự án mà được tích hợp, kết nối với các dự án về môi trường, ngập nước, giao thông thủy để quản lý. Kết quả sắp tới dự án phải mang lại giá trị tổng hợp: vừa giảm ngập vừa kiểm soát triều, kiểm soát mực nước, tạo cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, tạo ra môi trường sông nước và phát triển giao thông thủy cũng như phát triển du lịch trên sông. Đây là kết quả tổng hợp và TPHCM hy vọng sẽ đạt được trong thời gian sắp tới.

Nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải làm hồ điều tiết chống ngập ảnh 3 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về tiến độ sau 4 năm triển khai, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, đến nay, dự án hoàn thành 85% khối lượng. Những vấn đề về bồi thường cho người dân đã cơ bản hoàn thành xong. Hệ thống cống chính đang tiến hành lắp van ngăn triều. TP cố gắng tháng 10-2020 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống dự án. Hiện nay, TPHCM đang tập trung xây dựng quy trình quản lý vận hành, tổ chức đấu thầu đơn vị quản lý vận hành và xác định chi phí cho việc này trong 3-5 năm tới.

Về hướng chung trong chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM có nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố yêu cầu những nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50-100ha trở lên thì phải có hồ điều tiết. Dự án ven sông, kênh rạch có thể liên kết với sông, rạch để thoát nước tự nhiên. Dự kiến, TP dành 5.000-10.000ha diện tích đất triền ven sông cho ngập tự nhiên, để tăng diện tích ngập nước… “TP tạo ra khu rừng, khu du lịch… ở trong rừng ngập nước sẽ hiệu quả hơn là bơm đất, san lấp mặt bằng xây dựng đô thị ven sông. Tinh thần là có các khu vực để tạo ra các vùng chứa đựng nước của TP, thay cho vùng trung tâm hiện nay. Và TP đã làm được ở Thủ Thiêm, dành hơn 100ha để làm vùng ngập nước tự nhiên, nay phát huy tác dụng, tạo môi trường tốt, thuận lợi cho động thực vật phát triển”, ông Võ Văn Hoan cho biết.

TPHCM sẽ nội soi, ngoại soi cây xanh

Liên quan quản lý cây xanh, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho hay, sở đã kiểm tra cây xanh ở các trường học trên địa bàn TPHCM. Cây xanh đô thị có các loại: cây xanh công cộng (đường phố, công viên, vườn hoa), do Sở Xây dựng TPHCM trực tiếp quản lý; cây xanh trong khuôn viên cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà ở… do chủ sở hữu quản lý. Sở đã ban hành sổ tay, hướng dẫn cách chăm sóc, quản lý cây xanh đến các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện…   

Ông Lê Hòa Bình thông tin, sắp tới, theo chương trình hợp tác với Singapore, TPHCM sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho các loại cây xanh. Cây xanh như cơ thể con người, sẽ có kiểm tra nội soi, ngoại soi và các thiết bị kiểm tra đang được chuyển giao dần từ Singapore.

Tin cùng chuyên mục