Nhà đầu tư trong nước bán tháo cổ phiếu, chứng khoán lao dốc; HBC không đồng ý hủy niêm yết trên HOSE

Lực bán tháo đột ngột trong phiên chiều 1-8 khiến thị trường trong phiên giao dịch đầu tháng 8 lao dốc. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường trong phiên sáng cũng quay đầu giảm nên VN-Index giảm gần 25 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 1-8 đối diện với áp lực bán mạnh của nhà đầu tư trong nước nên tất cả các nhóm ngành đều giảm điểm. VN-Index có thời điểm giảm 30 điểm, về 1.220 điểm trước khi thu hẹp nhẹ đà giảm khi chốt phiên. Cổ phiếu "nằm sàn" la liệt, cổ phiếu giảm áp đảo cổ phiếu tăng.

Trong đó, nhóm bất động sản - xây dựng có nhiều mã giảm kịch sàn: TCH, PDR, BCM, NTL, NHA, LDG, QCG… Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng giảm sâu: DIG giảm 4,5%, NVL giảm 5,49%, DXG giảm 5,78%, CEO giảm 5,19%, NLG giảm 4,5%, IDC giảm 3,05%, HDC giảm 3,87%, KBC giảm 4,76%, KDH giảm 4%, VRE giảm 2,15%...

Riêng cổ phiếu HBC của Công ty Xây dựng Hòa Bình đi ngược thị trường, không chỉ thoát sàn sau 3 phiên giảm sàn liền trước mà còn tăng 1,2% lên 5.920 đồng/cổ phiếu.

Nhóm chứng khoán cũng giảm sâu: CTS, VDS giảm sàn, VCI giảm 5,39%, FTS giảm 6,85%, BVS giảm 7,78%, SHS giảm 6,79%, AGR giảm 6,36%, HCM giảm 4,34%, SSI giảm 4,72%, VND giảm 3,54%, BSI giảm 4,29%...

Nhóm ngân hàng buổi sáng tăng tích cực nhưng khi chốt phiên, chỉ còn VCB tăng 1,68%, NAB tăng 1,65%, SSB tăng gần 1% còn lại giảm mạnh. Cụ thể: MBB giảm 4,1%, STB giảm 3,28%, VPB giảm 2,37%, TPB giảm 2,48%, ACB giảm 2,44%, SHB giảm 2,24%, BID giảm 1,68%, CTG giảm 1,72%, VIB giảm 2,36%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng tiếp tục “đổ đèo”: NKG giảm 6,19%, HSG giảm 4,36%, HPG giảm 1,84%...

Không chỉ các nhóm chính giao dịch tiêu cực, nhóm công nghiệp cũng có nhiều cổ phiếu nằm sàn: DPG, HAH, VOS. Nhóm tiêu dùng và công nghệ thông tin cũng giảm mạnh: DGW giảm 6,4%, MWG giảm 2,66%, FPT giảm 2,95%, MSM giảm 3,1%, VNM giảm 1,82%....

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 24,55 điểm (1,96%) xuống 1.226,96 điểm với đến 423 mã giảm, chỉ còn 45 mã tăng và 38 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 6,13 điểm (2,6%) còn 229,23 điểm với 133 mã giảm, 42 mã tăng và 43 mã đứng giá. Do bán tháo mạnh nên thanh khoản tăng, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 21.400 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ so với phiên trước.

Trong khi nhà đầu tư trong nước bán tháo, khối ngoại lại ngưng bán ròng và quay lại mua ròng gần 61 tỷ đồng trên sàn HOSE, cắt đứt chuỗi 3 phiên bán ròng liên tiếp trước đó. Trong đó, 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là VCB với gần 192 tỷ đồng, VNM gần 159 tỷ đồng và MWG gần 110 tỷ đồng.

IMG_9694.jpeg

* HBC không đồng ý hủy niêm yết trên HOSE

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC) đã có công văn phúc đáp tới Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), doanh nghiệp khẳng định không đồng ý với các căn cứ của HOSE áp dụng để hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.

Theo HCB, đối với việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất hay trên BCTC kiểm toán riêng, hiện chưa có văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này.

Tập đoàn Hòa Bình giải thích, vốn điều lệ của công ty là 2.741 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tại BCTC kiểm toán riêng năm 2023 là âm 2.401 tỷ đồng, tại BCTC kiểm toán hợp nhất là âm 3.240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế trên BCTC riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ nên không thuộc trường hợp phải hủy bỏ niêm yết.

Đồng thời, HBC cho rằng HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Theo quy chế mới được Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31-3-2022 đã bỏ quy định căn cứ vào BCTC hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con.

Tập đoàn cũng cho biết các hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc hủy niêm yết cổ phiếu HBC. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng ngàn người lao động tại công ty cũng như các nhà cung cấp, nhà thầu phụ với hàng trăm ngàn người lao động của các doanh nghiệp này.

Do đó, Tập đoàn Hòa Bình mong Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan tới việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu công ty, tạo điều kiện cho HBC tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế, duy trì đảm bảo hoạt động, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm với các cổ đông và các bên liên quan.

Tin cùng chuyên mục