Danh tính về nhà đầu tư chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo những thông tin ban đầu, nhà đầu tư này là một tổ hợp các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt hàng đầu thế giới.
Trong đề xuất gửi tới Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư xin đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành theo phương thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Theo đó, liên danh nhà đầu tư này sẽ không tổ chức vận hành khai thác mà sẽ bàn giao lại cho Nhà nước ngay sau khi hoàn thành xây dựng và công trình được nghiệm thu.
Liên danh nhà đầu tư dự kiến huy động khoảng 40% tổng mức đầu tư trong tổng mức đầu tư dự án (khoảng 4 tỷ USD), Nhà nước sẽ tham gia khoảng 60% chi phí còn lại. Nếu được lựa chọn, liên danh nhà đầu tư này cam kết xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành trong khoảng 4 năm, hoàn thành vào tháng 12-2029.
Hiện Bộ GTVT đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đô thị liên vùng, có chiều dài khoảng 40km, khổ 1.435mm, chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TPHCM với sân bay Long Thành, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Thủ Thiêm.
Tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào giữa năm 2021. Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là dự án trong danh mục dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030.
Tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài.