Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Không Gian Ngầm Lê Tuấn cho biết, chi phí đầu tư bãi đậu xe ngầm gấp 3- 4 lần so với bãi đậu xe nổi. Do đó, thời gian hoàn vốn dài, trung bình phải mất trên 50 năm, thậm chí cả 100 năm cho một dự án trong khi giá giữ xe lại do Nhà nước quy định.
Sau khi TPHCM quyết liệt lập lại trật tự lòng lề đường thì nhu cầu cần chỗ đậu xe tại khu vực trung tâm ngày càng bức bách. Trong khi đó, các dự án bãi đậu xe ngầm đã được cấp phép cả chục năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn bất động, không triển khai trên thực tế. Vì sao?
Dự án nhiều…
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2025, khu vực quận 1 và một phần các quận 3, 4, Bình Thạnh có tổng diện tích bãi đậu xe 8,9ha, trong đó có 4 bãi đậu xe ngầm tập trung tại quận 1 (vị trí dưới Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư). Đây là những dự án lớn, được kỳ vọng giúp giải quyết đáng kể chỗ đậu xe đang thiếu trầm trọng tại khu vực trung tâm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, các bãi đậu xe ngầm dù đã giao cho các chủ đầu tư từ lâu nhưng hầu hết vẫn “nằm” trên giấy. Có dự án động thổ từ năm 2010 nhưng hiện vẫn “đắp chiếu”, do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Còn dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (có tổng vốn xây dựng 1.748 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Không Gian Ngầm làm chủ đầu tư) đã có kế hoạch khởi công vào tháng 10-2017, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên vẫn chưa được triển khai. Sở GTVT đã có kế hoạch làm việc lại với nhà đầu tư, nếu không có khả năng thực hiện, sở sẽ thu hồi, giao dự án cho nhà đầu tư khác.
Các dự án khác: Bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đầu tư, tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào đầu tháng 9-2017; 2 dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư, do Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty CP - Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và thể thao Sài Gòn đầu tư với tổng vốn 2 dự án khoảng 4.500 tỷ đồng, hiện đang ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Với các dự án này, TPHCM đã lập tổ công tác liên ngành, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Riêng Sở GTVT đã có văn bản đề nghị đơn vị hữu quan hỗ trợ chủ đầu tư các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm sớm hoàn tất các thủ tục, để có thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, sở cũng đang phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư, để trong năm nay có thể khởi công xây dựng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng.
Ô tô đậu trước Công viên Lê Văn Tám Ảnh: CAO THĂNG
Nút thắt về giá giữ xe
Vấn đề kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM dường như chưa bao giờ nguội. Khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân đang tăng lên từng ngày, việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe càng không lo “ế khách”. Tuy nhiên, vướng mắc chính của các dự án bãi đậu xe ngầm là suất đầu tư cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Không Gian Ngầm Lê Tuấn cho biết, chi phí đầu tư bãi đậu xe ngầm rất lớn, gấp 3- 4 lần so với bãi đậu xe nổi. Do đó, thời gian hoàn vốn cũng rất dài, trung bình phải mất trên 50 năm, thậm chí cả 100 năm, cho một dự án. Đã vậy, giá giữ xe lại do Nhà nước quy định.
Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), giá dịch vụ giữ xe là do Nhà nước quy định. Căn cứ luật này, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 6888 về giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn TP. Về điều này, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đông Dương, chia sẻ rằng: Việc bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng xây dựng bãi đậu xe mà lại không được chủ động quyết định giá giữ xe, làm nhà đầu tư rất băn khoăn. “Ngày trước, TPHCM có chủ trương ưu đãi bằng cách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư, miễn giảm một phần tiền sử dụng đất nên việc Nhà nước can thiệp vào giá giữ xe còn có thể hiểu được. Nay Nhà nước không còn ưu đãi gì, sao vẫn muốn định giá giữ xe cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đậu xe”, bà Bảo Quỳnh nêu câu hỏi.
Một nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe khác (xin được phép giấu tên) còn so sánh: Nhiều hoạt động đầu tư xây dựng khác có vai trò xã hội quan trọng không kém, thậm chí còn hơn hẳn - như xây nhà, phát triển bất động sản…, nhà đầu tư vẫn được quyền chủ động xây dựng giá bán cho sản phẩm của mình. Tại sao nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe lại không được?
Chưa kể, việc “trở bộ” của nhiều cơ quan nhà nước thường rất chậm so với chuyển động của thị trường. “Đã mấy năm nay, giá giữ xe ở nhiều nơi do Nhà nước quy định vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, giá nhiều loại vật liệu xây dựng, mức lương, thưởng cho nhân viên… đã tăng đến mấy chục phần trăm. Kinh doanh trong bối cảnh như vậy, ai dám làm? Các dự án xây dựng bãi đậu xe đã hoàn thành trong thời gian qua chủ yếu là của doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan nhà nước chuyển bộ chậm thì doanh nghiệp nhà nước còn chịu được, chứ doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần thì sao dám”, nhà đầu tư xin được giấu tên nêu trên nhận xét.
Tính đến thời điểm này, tất cả các dự án bãi đậu xe trên địa bàn TP đã bị chậm gần 10 năm so với kế hoạch, do những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan như đã nêu.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm, TPHCM cần có cơ chế đặc thù, làm sao phải đảm bảo cho chủ đầu tư thu hồi vốn và có lời. Chi phí xây dựng bãi đậu xe ngầm rất tốn kém, giá giữ xe cần phải tương xứng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.