Nhà đầu tư đón Xuân này nhớ Xuân xưa

Những phiên lao dốc kinh hoàng của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm qua khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đối diện cái Tết Quý Mão không vui. Càng buồn hơn khi chỉ cách đây 1 năm, NĐT đón cái Tết Nhâm Dần trong niềm hoan hỉ nhờ “trúng” cổ phiếu (CP).

Rút hết 2 triệu đồng cuối cùng trong tài khoản, anh T.T, một NĐT tại TPHCM, đưa cho vợ đi mua sắm đồ Tết với lời dặn: “Năm nay khó khăn, chỉ được mua những gì cần thiết”. Với gia đình anh T.T, có lẽ đây là cái Tết buồn, nhất là sau khi tham gia đầu tư chứng khoán theo lời rủ rê của vài người bạn học thời phổ thông.

Giữa năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát, công ty nơi anh T.T làm việc mất nhiều đơn hàng xuất khẩu do đứt chuỗi cung ứng, ông chủ cắt giảm lương nhân viên 30-50%. Chia sẻ chuyện khó khăn của công ty vào group chat Zalo của nhóm bạn học, anh T.T được người bạn tên H.D tư vấn nghỉ việc để chuyển đầu tư chứng khoán, vừa nhẹ nhàng vừa có nhiều thời gian chăm lo con cái. Không chỉ có H.D, trong nhóm bạn này cũng có vài người đầu tư chứng khoán và họ đều khuyên anh T.T nên bỏ vốn vào TTCK. Để dẫn chứng, H.D còn nhiệt tình show tài khoản với lợi nhuận trong 1 tuần tương đương cả năm “làm công, ăn lương” của vợ chồng anh T.T.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh T.T bàn bạc với vợ rút sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để đầu tư vào TTCK. Ban đầu, anh T.T chỉ “rón rén” giải ngân hơn 100 triệu đồng vào 2 mã CP bất động sản đang niêm yết trên sàn UPCoM. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, tài khoản của anh T.T tăng thêm 40 triệu đồng, khi cả 2 mã CP này liên tục được đẩy giá trần (biên độ sàn UPCoM là 15%). Thắng lớn ngay từ lần đầu “ra quân”, đã tạo động lực cho anh T.T giải ngân hết số tiền còn lại trong tài khoản. Thậm chí, trước Tết, anh T.T nộp đơn xin nghỉ việc để “toàn tâm, toàn ý” vào TTCK, sau khi tài khoản nhân lên gấp 3 lần chỉ sau 6 tháng đầu tư. Sau Tết, tới lượt vợ anh T.T cũng nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty xây dựng.

Nhâm Dần 2022 có thể xem là cái Tết hoành tráng nhất với gia đình anh T.T, kể từ khi 2 vợ chồng kết hôn cách đây gần chục năm. Ngoài việc sửa sang lại nhà cửa đón Tết, anh T.T còn đưa cả nhà đi du lịch xuyên Việt bằng chiếc ô tô 4 chỗ mua được từ tiền lãi “trúng” chứng khoán. Trên những cung đường du lịch đón Xuân, anh T.T suy nghĩ làm sao có nhiều tiền hơn để “rót” vào tài khoản, với mục tiêu tài sản cuối năm 2022 được 10 tỷ đồng. Cuối cùng anh T.T thuyết phục được bố mẹ ở quê cắt bán một nửa miếng đất mặt tiền quốc lộ được 2 tỷ đồng để thêm vào tài khoản.

Mọi chuyện có vẻ suôn sẻ với anh T.T trong những ngày sau Tết khi VN Index liên tục tăng nóng. Anh T.T càng thêm tự tin khi nhiều chuyên gia đưa ra dự báo VN Index sẽ còn “thăng hoa” trong năm 2022 với mục tiêu chạm mốc 1.900 điểm. Danh mục đầu tư của anh T.T, với phần lớn là CP bất động sản và ngân hàng, lúc này đã đạt gần 6 tỷ đồng. Thời điểm đó, TTCK bắt đầu xuất hiện nhiều tín hiệu đảo chiều, nhưng vì quá tin vào nhận định của các công ty chứng khoán, thay vì bán chốt lời anh quyết định cầm cố toàn bộ số CP đang có để có tiền mua thêm, nâng tổng danh mục của mình lên hơn 11 tỷ đồng (trong đó có 5 tỷ đồng vốn vay).

Khi mọi chuyện tưởng chừng như đang đi đúng hướng, hàng loạt biến cố bất ngờ xảy ra, từ vụ “lật kèo” phiên đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh, cho tới các vụ xử lý hình sự liên quan đến các hoạt động thao túng giá CP của ông Trịnh Văn Quyết (FLC), hay ông Đỗ Thành Nhân (Louis Holdings), và mới nhất là sự kiện trái phiếu doanh nghiệp. Những sự cố liên tiếp này đẩy VN Index lao dốc từ trên mốc 1.500 điểm xuống chỉ còn 950 điểm (tương đương 40%). Tuy nhiên, với những người sử dụng “đòn bẩy” tài chính như anh T.T, tỷ lệ thua lỗ tăng gấp đôi, thậm chí còn cao hơn nếu CP giảm mạnh hơn mức giảm chung.

Từ chỗ “cứ mua là thắng”, giờ “cứ mua là lỗ” nên tài khoản của anh T.T ngày càng “teo tóp”. Theo anh T.T, sau nhiều lần bị buộc phải bán giải chấp (call margin) do không có tiền bù vào số tiền thua lỗ để cân bằng tỷ lệ vay, từ số vốn đầu năm 2022 gần 6 tỷ đồng, nay chỉ còn chưa tới 200 triệu đồng. “Sau Tết, dù tình hình thị trường có tốt hơn 2 vợ chồng cũng phải xin việc làm trở lại. Trước đảm bảo thu nhập cho gia đình, sau gom góp tiền trả lại cho bố mẹ” - anh T.T buồn rầu nói.

H.D, người bạn “mai mối” anh T.T tham gia TTCK, rơi vào hoàn cảnh còn bi đát hơn. Anh H.D phất lên trong 2 năm 2020-2021 nhờ giá CP tăng phi mã. Có thời điểm, số CP NĐT này nắm giữ trong tài khoản đạt hơn 200 tỷ đồng. Tiền lãi từ chứng khoán được anh H.D rút ra để mua nhà, sắm xe và cho 2 con trai đi du học ở Mỹ. Dịp Tết năm ngoái, vợ chồng anh H.D bỏ ra gần 300 triệu đồng để qua Mỹ du lịch kết hợp thăm con đang du học. Nhưng anh H.D cũng không thể giữ được thành quả sau đợt “bổ nhào” của VN Index trong năm vừa qua. Do đầu tư vào CP với số vốn lớn cộng với việc sử dụng marign, anh bị thiệt hại khá nặng. Trước Tết 2 tháng, ngân hàng đã bán giải chấp 2 căn nhà vợ chồng anh H.D cầm cố để có tiền mua quân bình giá và trả tiền margin. Mới đây, vợ chồng anh H.D lại tiếp tục rao bán ôtô để đóng tiền học phí cho con đang du học ở nước ngoài.

Từ căn biệt thự sang trọng ở quận Tân Phú (TPHCM), giờ vợ chồng anh H.D và đứa con gái út phải thuê căn chung cư nhỏ ở quận Bình Tân với giá 7 triệu đồng/tháng. Con gái út đang học trường quốc tế cũng được anh H.D xin chuyển qua trường công để giảm bớt chi phí. Bản thân anh H.D cũng dự định sau Tết sẽ quay lại công việc trước đây là nhân viên kinh doanh ngành thép. “TTCK đưa tôi lên đỉnh nhưng cũng đẩy tôi đến tình cảnh khó khăn như hiện tại” - anh H.D chua xót nói.

Tin cùng chuyên mục