Tuy không đề cập đến những con số cụ thể về lợi ích kinh tế mà các đặc khu được kỳ vọng sẽ mang lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là các đặc khu hành chính - kinh tế, nghĩa là “thể chế kinh tế là đặc biệt, thể chế hành chính cũng phải đặc biệt”.
Giải toả mối lo ngại về rủi ro lạm dụng quyền lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Khi phân cấp, phân quyền cho trưởng đặc khu thì đã có phương án giám sát của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh, giám sát theo ngành dọc của các bộ ngành Trung ương.
Về thiết chế Trưởng đặc khu, Nguyễn Chí Dũng nói: “Đây là một cơ chế mới mà thực tế chưa từng có ở Việt Nam nên có những băn khoăn cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ rằng, nếu có những thẩm quyền riêng gắn với trách nhiệm thì chắc chắn đó vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm của một số người được người dân tín nhiệm và Đảng giao nhiệm vụ. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về nội dung (do tỉnh Quảng Ninh đề nghị, theo đó có sự miễn trừ một số trách nhiệm cho Trưởng đặc khu để thiết chế này mạnh dạn đưa ra quyết định có tính chất đột phá - PV), có thể miễn trừ một số việc, nhưng cần xem xét cụ thể, cẩn trọng. Cơ chế này chưa được đưa vào dự thảo luật đặc khu lần này, nhưng dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện”.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một đạo luật khó, mới và liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực; thậm chí có thể có một số vấn đề vượt trên các luật khác nhưng nguyên tắc bắt buộc là phải tuân thủ Hiến pháp.
“Đây là đạo luật rất quan trọng nhưng sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta. Nếu tư duy cởi mở thì tốt, còn nếu nghĩ theo hướng ta có quyền “cho” nhà đầu tư cái này cái kia thì nhà đầu tư cũng có một quyền rất lớn là quyền không làm, không đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.