Chiều 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên. Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. Tính đến hết năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán trên 4,3 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020. Trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD). Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, trong đó trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân là còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán…
Bộ Tài chính cũng tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường. Những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Song song đó, bộ phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội (TPHCM) ủng hộ việc xử lý tiêu cực, vi phạm trên thị trường để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. PGS-TS Trần Hoàng Ngân đề nghị cần xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cổ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi phát hiện những sai phạm, xử lý mạnh tay, dứt khoát, đồng thời công bố thông tin đại chúng để mọi nhà đầu tư được biết, không né tránh. Phạt tiền gấp nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá cổ phiếu.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, việc cần phải ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường thì bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước điều này và thực hiện vai trò của mình. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường.
Cũng theo GS-TS Hoàng Văn Cường, nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn, đây là tiềm năng để tiếp cận đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta có đặc điểm rất khác biệt, đó là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư cá nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt.
Ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, năng lực canh tranh và đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trong số trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ. Ông Zafer Mustafaeglu đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD. Theo đại diện WB, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả.
Đại diện WB khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm sát sao 6 yếu tố của nền tảng thị trường. Trong đó, hàng đầu là thể chế, các quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách không công bằng. Tiếp đến là hạ tầng, với chìa khóa là giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn; thị trường cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch, giúp cho thị trường trở nên minh bạch hơn… Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi, mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế. Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. “Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi”, ông Zafer Mustafaeglu khuyến nghị.