Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Chính phủ đọc tờ trình, cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 10 chính sách, cơ chế đặc thù, trong đó 6 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương trước đó. Việc áp dụng các cơ chế đặc thù này cho Khánh Hòa không làm tăng bội chi, trần nợ công của Chính phủ; mà sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tỉnh.
Đáng chú ý, tại dự thảo Nghị quyết lần này, là Chính phủ đề xuất có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Khu kinh tế Vân Phong.
Đây là khu kinh tế được Chính phủ định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, khác biệt, hiện đại đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đáp ứng 3 điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm với lĩnh vực, ngành nghề sẽ đầu tư. Nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện an ninh quốc phòng. Việc lựa chọn, thủ tục chọn nhà đầu tư chiến lược phải minh bạch, rõ ràng, đảm bảo thực sự là các nhà đầu tư có năng lực.
Qua thẩm tra tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, trên thực tế, hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án lớn bằng các chính sách ưu đãi thiết thực và cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với các ngành nghề thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khả năng bổ sung một số chính sách như: áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình với quan điểm này. Cho rằng quy định ưu đãi nhà đầu tư chiến lược như đề xuất còn hẹp quá, chưa có chính sách mới và đột phá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là phương thức rất phổ biến trên thế giới.
Với quy định phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết: "Thủ tướng có trao đổi với tôi ý này, tôi ủng hộ".
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, những ưu đãi cho Vân Phong chưa được như mong muốn của nhà đầu tư với bốn vấn đề: sở hữu đất đai, miễn thị thực, giảm thuế, thủ tục hành chính.
Phát biểu ngay sau đó, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khẳng định nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.
Kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cơ chế ưu đãi như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội để tạo thêm sức bật cho Khu kinh tế Vân Phong.
Hiện nay, cả nước đã có 8 tỉnh, thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù, gồm: TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ.