Thời gian qua Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng nhà công sản của Nhà nước bị “thất thoát hợp pháp” bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đơn thư tố cáo của một số đảng viên trên địa bàn phường Tân Quy, quận 7, TPHCM, chúng tôi vừa phát hiện những dấu hiệu sai phạm phía sau việc bán căn nhà số 362/7 (nay mang số 57) đường 81, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7 theo Nghị định 61/CP.
Căn nhà số 362/7 có nguồn gốc là nhà do Tổng cục Phát triển Gia cư chế độ cũ xây dựng tại khu kiến thiết Tân Quy Đông. Nhà được bán trả góp cho ông Nguyễn Thụy Ứng năm 1967. Ông Ứng đã chuyển nhượng và căn nhà này đã qua 5 đời chủ bằng giấy tay và gia đình bà Nguyễn Thị Hồng là người mua sau cùng, ở cho đến nay.
Về hồ sơ pháp lý, căn nhà này đã được gia đình bà Hồng mua lại bằng giấy viết tay có xác nhận của chính quyền xã chế độ cũ, chưa lập thủ tục chuyển nhượng nào khác. Tuy nhiên, bà Hồng cũng không còn lưu giữ giấy tờ nào hợp lệ. Đến tháng 1-2005, căn nhà 362/7 được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo diện nhà công sản. Đến ngày 23-8-2006, UBND quận 7 xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho gia đình bà Hồng (đang ký hợp đồng thuê căn nhà này).
Theo UBND quận 7, căn cứ để quận này cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Hồng là do bà có: Biên bản xác minh chủ quyền nhà; giấy chứng nhận trả hết tiền mua nhà do Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP cấp; tờ cam kết của bà Hồng không còn lưu giữ giấy tờ nhà; dựa trên bản đồ giải thửa xác nhận hiện trạng khu đất là loại đất thổ, không thuộc đất công và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo tài liệu của chúng tôi hiện có thì căn nhà này vẫn còn nợ tiền nhà đúng 10 năm (120 tháng) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đã trả hết tiền mua góp!? Từ đó, căn nhà đã được hợp thức hóa hợp lệ!
Đối với diện nhà này, phải chịu sự quản lý của nhiều “tầng nấc”: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP, Sở Xây dựng (công tác thanh kiểm tra), Sở Tài nguyên – Môi trường (công nợ để cấp giấy chứng nhận đã trả tiền mua nhà trả góp), UBND phường, UBND quận (cấp giấy chủ quyền),…
Quy định chặt chẽ là vậy nhưng thực tế việc quản lý lỏng lẻo một cách đáng ngờ. Tại kho lưu trữ của Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất thuộc Sở TN-MT TP, trong biên bản giao nhận hồ sơ tài liệu của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP không có bản giao hồ sơ gốc của căn nhà nói trên. Tại trung tâm cũng không có hồ sơ lưu, cùi biên lai gốc thu tiền nhà trả góp và bản kê thu tiền nhà góp.
Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đã “hồn nhiên” cấp giấy chứng nhận người đứng tên mua nhà trả góp là Nguyễn Thụy Ứng đã trả hết tiền mua góp nhà căn cứ vào bản sao biên lai thu tiền do bà Hồng cung cấp (trên thực tế, hồ sơ lưu của công ty vẫn còn ghi nợ đúng 10 năm). Công ty đã biết rõ không có hồ sơ lưu trữ căn nhà số 362/7 và cùi biên lai thu tiền gốc không có cơ sở đối chiếu nhưng vẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận xác nhận trả hết tiền mua góp căn nhà là rõ ràng cố ý vi phạm quy định. UBND phường Tân Quy sẵn sàng xác nhận đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi nhà đã có quyết định xác lập sở hữu nhà nước cũng là không đúng thực tế. Từ những sai phạm ban đầu, dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND quận 7 với căn nhà nói trên cũng sai quy định.
Trách nhiệm này thuộc về ai?
HỒNG HIỆP