Xanh, đẹp…
Năm 2010, 2 kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Duy Thanh cùng cộng sự quyết định xây dựng trên mảnh đất của Hoàng Thúc Hào công trình dành cho cộng đồng dân cư thôn Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Yên, tỉnh Hòa Bình.
Công trình nằm ở vị trí rất đẹp, dựa vào núi, mặt hướng ra thung lũng. Bước qua chiếc cổng tre là đến khoảng sân cỏ phẳng phiu, không quá rộng, nhưng có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời cho vài chục người.
Toàn cảnh nhà cộng đồng thôn Suối Rè Nhà có 2 tầng, 1 nổi, 1 ngầm. Tầng trên từng là nhà trẻ, mẫu giáo kết hợp không gian thư viện, là nơi tổ chức hội họp thôn. Tầng “ngầm” lợi dụng khoảng lõm triền dốc, tránh được những cơn gió Đông Bắc se sắt, nhưng lại “hút” gió Đông Nam nên đông ấm, hè mát. Phía sau nhà vẫn còn không gian, hướng lên núi và rừng tre. Người không giỏi về kiến trúc cũng có thể nhận ra công trình vừa mang dấu ấn nhà 5 gian đồng bằng Bắc bộ, vừa phảng phất nét nhà sàn dân tộc Mường.
Trông giản dị, đơn sơ vậy, nhưng không ngẫu nhiên mà nhà Suối Rè đã gặt hái nhiều giải thưởng. “Gói” trong ngôi nhà là một loạt nghiên cứu, thử nghiệm như tạo đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, triền vát… nhằm kết nối không gian các lớp trước - sau, trong - ngoài, trên - dưới thành chuỗi không gian mở liên hoàn. Những vật liệu tự nhiên thân thuộc như đất, đá, tranh, tre được sử dụng nhằm hấp thụ tối đa nắng, gió và những âm thanh trong trẻo của miền sơn cước. Không từ chối công nghệ hiện đại, các kiến trúc sư đã lắp đặt ở đây hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, đèn led tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang… Sau 15 tháng thi công, tháng 12-2012, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cũng phải nói thêm rằng, đội ngũ thi công người bản địa đã thể hiện rất tốt ý đồ kiến trúc của các tác giả công trình. KTS Hoàng Thúc Hào rất hài lòng khi nhìn ông Nguyễn Văn Âu, đội trưởng đội thi công, trực tiếp xỏ lỗ, buộc tre dựng nhà, nghiêm ngắn, đều tăm tắp. Bộ vì kèo lớn có tới hơn 80 con xỏ, vẫn rất vững bền sau ngót chục năm qua. Tre được ngâm tẩm kỹ càng nên cũng không hề bị mối mọt hay rêu mốc.
Có thể coi nhà Suối Rè là bước ngoặt của văn phòng kiến trúc 1+1>2, là kiến trúc cộng đồng đầu tiên của đơn vị làm với mong muốn có một công trình “tự thân xanh”.
KTS Hoàng Thúc Hào nhớ lại, thời điểm đó, những ý tưởng ban đầu về triết lý kiến trúc hạnh phúc mới đang dần định hình, anh hy vọng với nhà cộng đồng thôn Suối Rè, ý tưởng hiện ra bằng tác phẩm thật sự, chứ không nằm trên giấy. Ngôi nhà được làm đi làm lại nhiều lần cho đến ưng ý mới thôi, đến nỗi những người làm cùng phải “kêu trời”. Dự toán lúc đầu làm mất 250 triệu đồng nhưng làm xong, đội lên… hơn 1 tỷ đồng.
Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, cùng với nhiều công trình khác, đã mang lại cho KTS Hoàng Thúc Hào nhiều giải thưởng danh giá. Viện Kiến trúc Singapore trao cho cụm tác phẩm xã hội cộng đồng của anh giải Kiến trúc sư nổi bật, giải thưởng được truyền thông ví như “Nobel - Pritzker kiến trúc” châu Á. Năm ngoái, KTS Hoàng Thúc Hào cũng được trao giải thưởng lớn Vassilis Sgoutas Prize tại Đại hội Kiến trúc sư thế giới UIA, Seoul, Hàn Quốc. Giải thưởng này tôn vinh hệ thống tác phẩm kiến trúc vì cộng đồng thiểu số ở Việt Nam.
…và đang buồn
Thế nhưng, sau vài năm đầu khách du lịch tấp nập đến tham quan, bà con trong thôn hồ hởi rủ nhau ra chơi mát, vài năm nay, ngôi nhà trở nên vắng lạnh.
Chị Hoàng Thị Thành, chủ một cửa hàng tạp hóa ở thôn Suối Rè, bảo, trước đây ngôi nhà được bố trí làm lớp mầm non, nhưng do nhà cộng đồng nằm ở tận cùng của xã, việc đưa đón con đi học ngày 4 lần (không có bán trú) khá bất tiện. Lớp mầm non giờ chuyển về nhà văn hóa ở trung tâm xã, xây gạch, mùa đông ấm áp hơn, việc đưa đón con cũng dễ dàng hơn.
Hỏi chị đã bao giờ đến nhà cộng đồng chưa, chị Thành cười, lắc đầu: “Nhà mình cũng mát mà. Còn mưa lạnh thì… ở nhà cho ấm. Họp xóm thì đã có cái nhà văn hóa xây gạch đằng kia”.
- Thì chị cũng phải đến ngắm ngôi nhà rất đẹp, được nhiều giải kiến trúc danh giá ấy chứ?
- Ừ, thì hôm nào nắng nóng tôi sẽ đến thử xem. Tiện qua nhà ông Âu chơi với vợ ông ấy. Cái nhà có cây sấu to nhất chỗ ngã rẽ.
Có lẽ chưa ai hỏi chị vu vơ như tôi hỏi chăng? Với những người dân thôn Suối Rè, sau cuộc mưu sinh vất vả, những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi thì nghỉ mệt, thảnh thơi nằm võng, ngắm chiều tím mây xanh từ góc sân nhà mình là đủ.
Ông Nguyễn Văn Âu, người thợ tài khéo đã thực hiện ngôi nhà, từng nhận nhiệm vụ trông coi giữ gìn nó, giờ lại khăn gói đi làm ở tận Ninh Bình.
Nghe tôi hỏi chuyện, bà Âu cười nhẹ: “Anh ấy cũng muốn làm việc gần nhà thôi, nhưng ở đây có việc gì làm nữa đâu. Thỉnh thoảng lắm mới có một đoàn khách, hoặc vài khách lẻ đến tham quan, chụp ảnh rồi về ngay. Để không lâu ngày, công trình xộc xệch đi, nhưng biết làm thế nào”.
Một góc sinh hoạt của nhà cộng đồng thôn Suối Rè Xót lòng với công trình thấm đẫm mồ hôi, công sức của mình, áy náy với bà con Suối Rè, khi nghe nói về Zó Project (một dự án phục dựng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn), các KTS của 1+1>2 đã lặn lội đến tìm hiểu để nhân rộng mô hình hoạt động này ở nhà cộng đồng thôn Suối Rè. Nhưng ngay cả ở Suối Cỏ, dự án cũng đang gặp khó, từ khâu nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm, nên việc triển khai hoạt động này ở Suối Rè cũng chưa thành công…
Quả thực, để có được một công trình kiến trúc cộng đồng có chất lượng, thể hiện được bản sắc địa phương và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như nhà cộng đồng thôn Suối Rè đã khó khăn, song việc nuôi dưỡng, duy trì hoạt động thường xuyên, phát huy được công năng của ngôi nhà lại còn khó khăn bội phần. Thậm chí là nhiệm vụ bất khả thi, nếu không có được sự hưởng ứng của cộng đồng, sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của địa phương và ngành văn hóa.
…Đằng sau lưng tôi, nhà cộng đồng thôn Suối Rè đứng im lìm trong cơn mưa Ngâu.
ANH THƯ