Biến dạng và biến mất
Dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu (còn gọi là Nhà cổ 29, hoặc Tòa bố ) ở phường 3, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) được xây dựng hơn 100 năm trước với kiến trúc công sở phương Tây. Dù được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, nhưng nhiều năm qua, Nhà cổ 29 không được cơ quan thẩm quyền bảo tồn, trùng tu. Do xuống cấp nặng, không còn ai ở nên căn nhà cổ này trở thành… nhà hoang. Bên trong khuôn viên căn nhà, cây cỏ mọc um tùm, tường nhà bị bong tróc, máng nước bị rêu phong phủ bám, cửa chính và cửa sổ bị nứt, cầu thang sắt mục gỉ…
Nhìn Nhà cổ 29 bị biến dạng, đang “chết dần, chết mòn”, du khách thập phương ngang qua không khỏi xót xa, ngậm ngùi. “Nhà cổ là biểu tượng của thời gian, nơi ghi dấu nhiều giá trị văn hóa của một chặng dài lịch sử. Là điểm đến để lớp lớp người trẻ sau này hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Ấy vậy mà bỏ hoang!”, anh Thành, một hướng dẫn viên du lịch ở tỉnh Bạc Liêu tiếc nuối.
Trong khi đó, không được trùng tu, sửa chữa kịp thời, Nhà cổ Carrie trên đường 30/4 (phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), đã bị “khai tử”. Được xây dựng theo kiến trúc Pháp vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, Nhà cổ Carrie có quy mô khá đồ sộ. Nơi đây ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, là ngày 20-8-1945, tỉnh trưởng Bạc Liêu Trương Công Thiện buộc phải giao nhà Carrie cho Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh làm trụ sở. Với giá trị kiến trúc và lịch sử như vậy, năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định công nhận Nhà cổ Carrie là di tích lịch sử cấp tỉnh. Thế nhưng, công tác trùng tu công trình di tích lịch sử này sau đó lại bị “bỏ quên”. Sau gần một thập niên “hấp hối”, tháng 11-2023, Nhà cổ Carrie chính thức bị tháo bỏ trong sự tiếc nuối của hàng triệu du khách gần xa.
Ngược về Tiền Giang, đến huyện Cái Bè và TP Gò Công, chúng tôi thấy nhiều nhà cổ tư nhân cũng trong tình trạng tương tự. Tại làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) hiện còn khoảng 36 nhà cổ (nhà cổ có niên đại lâu nhất lên đến 220 năm). Trong số này, đến nay chỉ có 2 nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt và của ông Phan Văn Đức được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trùng tu và bảo tồn. Những nhà cổ còn lại đang bị xuống cấp, hầu hết hoa văn, họa tiết trên tường và mái nhà bị phai mờ; một số căn được chủ nhà tự sửa, cách tân, thay đổi kết cấu theo hướng hiện đại, mất đi nét hoài cổ vốn có... Tương tự, tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, không ít nhà cổ bị thay đổi công năng làm bệnh viện, quán cà phê…
Theo Thạc sĩ Lê Ái Siêm, Chủ tịch Hội khoa học - Lịch sử tỉnh Tiền Giang, hầu hết nhà cổ ở TP Gò Công (Tiền Giang) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn, một số nhà cổ còn đan xen kiến trúc Nam Trung Hoa, Pháp. Chủ nhân các nhà cổ là địa chủ, người giàu có, người có địa vị trong xã hội thời phong kiến. Sau khoảng 1 thế kỷ, sự thay đổi về xã hội và thời gian, các chủ nhân đầu tiên không còn. Qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, sự hủy hoại do thời tiết…, hiện các nhà cổ bị xuống cấp, các hạng mục bên trong như cột nhà, trần nhà, cửa, bàn ghế, giường ngủ làm bằng gỗ bị mối, mọt ăn mục, rỗng ruột…
Một thống kê chưa đầy đủ, sau năm 1975, số lượng nhà cổ ở ĐBSCL là 1.000 căn, tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh, TP Cần Thơ… Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng hơn 2/3 so với trước. Riêng tại Bạc Liêu, năm 2021, tỉnh này có 21 nhà cổ cùng một quần thể công trình kiến trúc phố chợ, nhưng đến năm 2023, con số này giảm còn 17.
“Dấu lặng” với khách du lịch
Nhà cổ Bình Thủy (TP Cần Thơ) được xây dựng hơn 150 năm trước, do gia đình ông Dương Chấn Kỷ làm chủ. Đây là công trình kiến trúc mang đậm nét cổ xưa, được chọn làm phim trường cho rất nhiều bộ phim. Vì thế khách du lịch thường đến tham quan, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng du khách đến đây ít dần, một phần bởi ngôi nhà dần xuống cấp, nhuộm màu rêu phong; mặt khác công tác quản lý, kinh doanh ở đây rất nhếch nhác, xô bồ.
Đến Nhà cổ Bình Thủy vào một buổi sáng cuối tháng 7-2024, chúng tôi thấy một đoàn du khách người Anh khoảng 10 người ghé tham quan. Họ được người phiên dịch giới thiệu từng chi tiết về ngôi nhà cổ, nhưng cũng giống như những du khách khác, họ chỉ xem lướt qua chừng 15 phút rồi đi. Có lẽ họ không mấy ấn tượng với cách bài trí và quản lý căn nhà của gia chủ. Ở một góc của gian nhà chính, rất nhiều đồ đạc, vật dụng để lộn xộn. Trong khuôn viên nhà cổ, mặt sân bong tróc nham nhở. Cạnh đó là xe ép nước mía, bã mía vứt ngổn ngang, ruồi nhặng bu đen. Đối diện Nhà cổ Bình Thủy là những người bán hàng rong ven vỉa hè. Tiếng loa của những người bán hàng rong inh ỏi lời rao. Cách đó chừng 30m là một bãi đỗ xe dành cho khách tham quan nhà cổ. Kế bên là một chuồng nhốt gà nằm cặp bên tấm bảng đậu xe dành cho khách tham quan. Hình ảnh khá lộn xộn, mất mỹ quan để lại “dấu lặng” cho khách khi đến tham quan Nhà cổ Bình Thủy
Thiếu chính sách, kinh phí
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 ngôi nhà cổ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Theo phân cấp thì di tích cấp tỉnh do cấp huyện, thành phố quản lý, còn di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt do Sở VH-TT-DL quản lý. Những năm qua, công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn di tích tại Bạc Liêu được chính quyền địa phương và ngành văn hóa thực hiện, song phải thừa nhận là chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu kinh phí.
“Đối với số nhà cổ do tư nhân quản lý (chưa được công nhận di tích), công tác trùng tu, tôn tạo còn khó khăn hơn. Nhiều nhà cổ bị xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chủ nhà không có tiền, hoặc không có kiến thức trong lĩnh vực trùng tu nhà cổ, trong khi đó chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ. Có trường hợp, khi ngành chức năng đề cập việc hỗ trợ duy tu, bảo tồn theo chủ trương của nhà nước, chủ nhà cổ không đồng thuận và muốn tự mình sửa chữa theo ý riêng”, ông Nguyễn Văn Quang chỉ ra bất cập.
Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, làng cổ Đông Hòa Hiệp ngày càng có đông du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, lợi thế của làng cổ trong phát triển du lịch, ngoài sự nỗ lực của các hộ dân nơi đây cần có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp tỉnh, trung ương, nhất là nguồn kinh phí để phát triển hạ tầng, bến bãi, đường giao thông phục vụ đi lại của du khách và trùng tu, bảo trì các kiến trúc cổ đã xuống cấp. Trước mắt, địa phương tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm như: Quy hoạch và xây dựng khu tổ chức lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp; điểm du lịch vườn sinh thái đặc sản tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Hòa Khánh; du lịch nghỉ dưỡng cồn Cổ lịch Hòa Hưng…
Nhà nghiên cứu văn hóa NHÂM HÙNG (TP Cần Thơ): Gắn bảo tồn nhà cổ với phát triển du lịch
Cách nay vài năm, khi đến cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) khảo sát, tôi thấy ở đây có hơn 30 nhà cổ, thế nhưng nay chỉ còn một vài căn. Nguyên nhân là hiện nay chưa có chính sách để bảo tồn; nhà cổ bị hư hỏng được sửa chữa cải tạo tự phát để phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại; quá trình mua bán, tặng cho của chủ sở hữu… Thực tế cho thấy, tại khu vực phía Bắc, nhà cổ còn rất nhiều, tuy nhiên miền Nam thì lại rất ít, thậm chí là hiếm. Cho nên, việc bảo tồn nhà cổ ở khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Bởi ngôi nhà cổ mang yếu tố lịch sử, dấu ấn đậm nét văn hóa cư trú của tiền nhân đi khai phá vùng đất này. Để giữ các kiến trúc nhà cổ tại ĐBSCL, theo tôi quan trọng nhất là cơ chế, chính sách để hỗ trợ bảo tồn, song song đó là tìm cách phát huy giá trị của các căn nhà cổ. Tiêu biểu là việc gắn bảo tồn nhà cổ với phát triển du lịch để nhà cổ mang lại giá trị bằng hình thức bán vé tham quan cho du khách, như Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp), Nhà cổ Huỳnh Phủ (Bến Tre)…