1. Mấy ngày qua, câu chuyện hai đứa trẻ bị bảo vệ dân phố đánh đập dã man ở phòng giám thị một trường học ở quận 10 (TPHCM), khiến chúng ta phẫn nộ và đau lòng. Câu chuyện mà tôi đề cập dưới đây không liên quan đến xử lý vụ việc này, vì đó là việc của cơ quan chức năng, mà là câu chuyện về hai đứa trẻ đó.
Không sai khi gọi chúng là những đứa trẻ chưa ngoan và trách nhiệm khiến chúng như thế đầu tiên hẳn là gia đình. Trả lời báo chí, người mẹ của một trong hai đứa trẻ cho biết, mình đã ly dị, vài ngày mới gặp con một lần và thằng bé đã nghỉ học trước tuổi 15. Nghe câu chuyện, chắc hẳn không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng đau xót…
Tôi đã từng gặp một người mẹ, đi cùng cậu con trai 8 tuổi đến để được tư vấn về thủ tục ly hôn. Chị khá quê mùa, già sọm hơn hẳn so với tuổi 34 của mình. Thằng bé được chị cho ngồi chờ ở ghế bên ngoài, với đồ chơi là một siêu nhân bằng nhựa. Chị kể qua về trường hợp của mình, không công ăn việc làm, chồng có “tiểu tam”, chị nhịn 2 năm nay nhưng hết chịu nổi. Chị mới xin được việc làm nhân viên văn phòng, với đồng lương thấp do bằng cấp không cao. Nay chị đề nghị ly hôn và nhờ tư vấn xem mình có thể được quyền nuôi con hay không. Với đồng lương thấp, lại ở nhà thuê, chúng tôi ái ngại cho chị trước lời đề nghị được tư vấn cặn kẽ… Bất chợt, thằng bé ngoài ghế khóc ré lên. Nhìn ra, thì ra đồ chơi rơi xuống gầm ghế, thằng bé con vẫn giãy đành đạch trên ghế. Cho đến khi mẹ ra thì nó quay qua… đấm thùm thụp vào người mẹ, đòi mua đồ chơi mới và đòi về với ba.
Hỏi kỹ hơn, chị cho hay, 2 mẹ con đã ra ngoài ở hơn 3 tháng, ngày nào thằng bé cũng đòi về với ba vì có nhiều đồ chơi, được ăn gà chiên, nhà lại rộng và mát, “không nóng nực nhỏ như vầy”, như lời thằng nhỏ nói hàng ngày. Ba mẹ chia tay, đứa trẻ chơi vơi giữa một bên là cuộc sống tiện nghi và một bên là người mẹ mang nặng đẻ đau, mà chúng lại ở lứa tuổi chưa hiểu hết.
Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà hàng ngày chúng tôi được nghe kể và tận mắt chứng kiến khi nhận tư vấn các vụ ly hôn. Có lần, một cặp đôi trẻ, tầm 25-26 tuổi, dẫn nhau tới, mang theo đứa nhỏ tầm 6 tuổi. Cả hai cãi nhau có lẽ từ trước khi lên 2 xe ôm tới đây. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt đòi về, còn 2 vợ chồng vẫn ngồi cãi nhau mỗi chuyện anh chồng chỉ thích chơi game, không phụ vợ trông con, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Cãi chán, đem nhau ra… ly hôn.
2. Nhà có ba, có mẹ là điều mà đứa trẻ nào cũng mong muốn. Đừng nghĩ rằng, khi bọn trẻ còn quá nhỏ, chúng không cảm nhận được sự mất mát khi gia đình thiếu đi ba hoặc mẹ. Diễm Chi, một người bạn của tôi, hiện phụ trách truyền thông một công ty giải trí, kể rằng, bạn đã phải mất nhiều tháng trời suy nghĩ, mới đi đến quyết định cuối cùng là cho bản thân mình và chồng thêm một cơ hội làm lại từ đầu.
Bạn tôi đẹp người, công việc ổn định nhưng hay xa nhà đi công tác. Anh chồng có sự nghiệp riêng, gia đình lại có bà vú, nên chuyện trông nom con cái cả hai đều không phải lo. Chồng chị đẹp trai, khéo léo, đồng nghiệp nữ bao vây là chuyện bình thường. Cho đến ngày chị bắt gặp hình của anh và một cô gái trong điện thoại, rồi những cuộc điện thoại vào buổi tối có nick là “em”, mà “em” đó, dĩ nhiên không phải là mình… Hai vợ chồng cứ thế xung đột, 2 cậu con trai sinh đôi lên 9 rất hiểu chuyện. Chúng biết rõ ba mẹ đang xung đột, trở nên dễ bảo và ngoan ngoãn vô cùng. Đến một ngày, cả hai vợ chồng cùng bận, quên luôn chuyện đi họp phụ huynh cho 2 con. Chiều hôm đó, sau khi gặp cô chủ nhiệm, bạn tôi chạy về nhà, cả 2 đứa nhỏ đều không khóc, chỉ buồn. Một nhóc nói: “Mẹ với ba đừng bỏ nhau nha, đừng bỏ tụi con nha…”. “Nghe thằng bé nói, mà nước mắt mình cứ thế tuôn ra. Tối đó, 2 vợ chồng ngồi lại nói chuyện, anh ấy xin lỗi. Tôi cũng mở lòng và thống nhất cùng cho nhau cơ hội để làm lại, đầu tiên là vì 2 con, hai nữa là vì chính hạnh phúc của cả gia đình”, Diễm Chi kể với tôi.
Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong gia đình thiếu ba hoặc mẹ, hoặc là con của mẹ đơn thân đều già dặn hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Nhưng, những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, theo quan sát của cá nhân, tôi thấy chúng đều có sự biến đổi. Sự biến đổi đó, có khi tốt, có khi chưa tốt, nhưng giống như một viên gạch bị bể làm hai, có thể vẫn gắn vào nhau được, nhưng đã vỡ thì không thể lành. Bởi vậy, hạnh phúc trong một gia đình, có ba, có mẹ là điều mà đứa trẻ nào cũng cần.