Nhà cao tầng ở TPHCM: Gia tăng nguy cơ cháy nổ

Trong khi nguy cơ cháy ngày càng gia tăng, hiệu quả thoát nạn ở các nhà cao tầng còn hạn chế thì các giải pháp cần thiết chưa được triển khai; công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ở nhiều nơi, một số đơn vị hiện có dấu hiệu buông lỏng, thiếu quyết liệt!
Đoàn kiểm tra của Bộ Công an và Bộ Xây dựng kiểm tra công tác PCCC ở chung cư Vạn Đô, quận 4, TPHCM
Đoàn kiểm tra của Bộ Công an và Bộ Xây dựng kiểm tra công tác PCCC ở chung cư Vạn Đô, quận 4, TPHCM
Tuy ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) của cư dân, chủ đầu tư, ban quản lý các chung cư - nhà cao tầng (sau đây gọi tắt là nhà cao tầng) ở TPHCM được nhiều quận - huyện đánh giá là chuyển biến tích cực hơn sau vụ cháy chung cư Carina, song thực tế hiện nay, lực lượng chức năng cứ kiểm tra lại “lòi” ra vi phạm, có nơi tồn tại cả những lỗi nghiêm trọng.
Đáng ngại hơn, trong khi nguy cơ cháy ngày càng gia tăng, hiệu quả thoát nạn ở các nhà cao tầng còn hạn chế thì các giải pháp cần thiết chưa được triển khai; công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ở nhiều nơi, một số đơn vị hiện có dấu hiệu buông lỏng, thiếu quyết liệt!
Chủ đầu tư thách thức “bà hỏa”
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, chưa đầy 2 tháng kể từ khi vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Carina Plaza (quận 8) xảy ra, cơ quan này đã kiểm tra 552 lượt nhà cao tầng trên địa bàn TP, phát hiện 257 lỗi vi phạm. Đáng lưu ý hơn, trong số này có nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng như hệ thống báo cháy - chữa cháy tự động không hoạt động; cửa thoát nạn bị chèn, chặn; giao thông phục vụ việc chữa cháy, thoát nạn không đảm bảo; lực lượng PCCC tại chỗ không thành thạo, không nắm vững kiến thức, nghiệp vụ PCCC… Đối tượng vi phạm hầu hết rơi vào những cá nhân, tổ chức có hiểu biết, kiến thức về pháp luật như chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị nhà cao tầng. 
Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết không chỉ để vi phạm tồn tại, ở nhiều nhà cao tầng, chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà còn thách thức pháp luật, coi thường mạng sống của cư dân khi không khắc phục các vi phạm cũng chẳng đóng phạt và bất hợp tác với lực lượng kiểm tra. Điển hình như chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), dù lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở khắc phục các vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu PCCC hàng chục lần, thế nhưng đến nay các vi phạm vẫn cứ tồn tại, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Trong lần kiểm tra gần đây vào cuối năm 2017, chủ đầu tư còn không bố trí lãnh đạo, người có trách nhiệm làm việc với đoàn kiểm tra.
Đội PCCC tại chỗ được xem là lực lượng quan trọng trong PCCC ở các nhà cao tầng, quyết định 80% kết quả chữa cháy và hậu quả để lại của vụ cháy. Bởi đây là lực lượng quản lý, giám sát và trực tiếp thực hiện công tác PCCC ở nhà cao tầng. Khi xảy ra cháy, đội PCCC tại chỗ cũng là lực lượng tiếp cận đám cháy nhanh nhất, kịp thời nhất. Nếu đội PCCC tại chỗ giỏi nghiệp vụ, quản lý tốt thì nguy cơ cháy sẽ ít phát sinh. Trong trường hợp xảy ra cháy, lực lượng này sẽ xử lý nhanh, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, kéo giảm hậu quả. Vai trò của đội PCCC tại chỗ quan trọng vậy, thế nhưng hiện nay tại nhiều nhà cao tầng ở TPHCM, vì tiết giảm khoản chi, lực lượng này không được chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị chú trọng đầu tư, xây dựng. Nhiều nơi thiếu trầm trọng về số lượng thành viên theo quy định, có nơi đủ thành viên nhưng chất lượng hoạt động không cao, do một người phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoặc tuổi cao, hoặc không đủ trình độ - kiến thức để vận hành hệ thống máy, thiết bị chữa cháy.    
Đánh giá sau đợt kiểm tra công tác PCCC tại một số nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM mới đây, một cán bộ Phòng Thẩm duyệt (Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ Cứu nạn - Bộ Công an) cho rằng hầu hết các vi phạm PCCC tại các nhà cao tầng xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm của ban quản lý, ban quản trị, chủ đầu tư chung cư, phần còn lại do ý thức của cư dân. Do đó, nếu các lực lượng trên chấp hành đúng các quy định về PCCC, nguy cơ cháy ở các nhà cao tầng sẽ được kéo giảm ít nhất 60%. 
Dễ để lại hậu quả nghiêm trọng!
Lãnh đạo một số quận - huyện ở TPHCM cho rằng, để công tác PCCC ở các nhà cao tầng nâng cao hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần phải được làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Vi phạm PCCC tồn tại nhiều ở các nhà cao tầng trong thời gian qua có một phần trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành chức năng, nhất là ngành PCCC. 
Bên cạnh nguy cơ cháy cao do vi phạm tồn tại nhiều, hiện nay các giải pháp cứu nạn, thoát nạn an toàn tại các nhà cao tầng cũng còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia về PCCC, đây là vấn đề cấp bách, đòi hỏi chính quyền và ngành chức năng các cấp quan tâm, nghiên cứu, sớm có giải pháp hiệu quả. Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có hàng ngàn nhà cao tầng, trong đó có những chung cư trên 50 tầng, trong khi xe thang chữa cháy, cứu nạn chưa vươn tới độ cao này, sẽ rất khó khăn cho lực lượng cứu nạn khi cháy nổ xảy ra. 
Điều kiện thoát nạn từ trên cao khó khăn đã đành, việc xây dựng, đầu tư các phương án thoát nạn từ bên dưới ở nhà cao tầng cũng tồn tại không ít bất cập. Hầu hết ở các nhà cao tầng trên địa bàn TP, nhất là các chung cư mới xây dựng, giao thông  phục vụ việc chữa cháy, cứu nạn đều bị ảnh hưởng, lấn chiếm. Như chung cư Giai Việt (quận 8), chủ đầu tư và ban quản lý trưng dụng một phần khuôn viên, đường giao thông nội bộ làm hồ bơi; chung cư Vạn Đô (quận 4) chiếm một phần hành lang làm hồ bơi, bồn hoa, cây cảnh. Khi cháy nổ xảy ra, cảnh sát PCCC khó tiếp cận vào trong để chữa cháy, cứu nạn.
Thực tế trên cho thấy công tác PCCC tại các nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM đang rất đáng lo ngại. Cháy nổ ở nhà cao tầng giờ đây không chỉ dễ xảy ra do tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mà khi xảy ra cháy, khó tránh khỏi để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Sắp xếp, bố trí cán bộ kiểm tra hợp lý
Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm PCCC là yếu tố quan trọng để kéo giảm nguy cơ cháy nổ ở các nhà cao tầng. Để vi phạm PCCC tồn tại, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC rất lớn. Do đó, Cảnh sát PCCC TPHCM cần đánh giá, rà soát lại năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ kiểm tra để có sự sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, hiệu quả. Tuyệt đối không bố trí, sắp xếp để cán bộ, chiến sĩ không có nghiệp vụ, kiến thức, hoặc có dấu hiệu vi phạm, tham gia kiểm tra PCCC. để nâng cao chất lượng trong công tác PCCC, cần thiết phải mở rộng, làm sinh động các hình thức tuyên truyền, bởi một khi người dân chưa thấm, chưa nắm đủ kiến thức pháp luật PCCC, chưa đánh giá hết sự nguy hiểm về cháy nổ sẽ rất dễ vi phạm trong sinh hoạt cũng như sản xuất - kinh doanh.
Thiếu tướng ĐOÀN VIỆT MẠNH 
Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ
Cần xử lý nghiêm cán bộ để vi phạm tồn tại
Tôi được biết, ở một số địa phương, việc chế tài, xử lý các hành vi vi phạm PCCC còn chưa quyết liệt. Có nơi cơ quan chức năng kiểm tra cứ kiểm tra, còn chuyện chủ đầu tư có khắc phục không là chuyện khác. Chính điều này đã làm các tổ chức, cá nhân vi phạm bị “lờn luật”.
Từ thực tế này, tôi đề nghị cần xử lý trách nhiệm các lãnh đạo, cán bộ liên quan, không thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, công việc phân công, để vi phạm tồn tại trên địa bàn. Thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp buông lỏng quản lý, hoặc tiếp tay để vi phạm tồn tại, dẫn đến sự cố, tai nạn phát sinh, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Một khi cán bộ, chiến sĩ làm tốt công việc, chắc chắn vi phạm sẽ ít tồn tại, khi đó nguy cơ cháy nổ sẽ giảm mạnh.
Thiếu tướng NGUYỄN HỮU TIẾP
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an
Theo dõi sát địa bàn để xử lý vi phạm quả tang
Lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát PCCC, không chỉ tập trung vào mỗi đợt kiểm tra chuyên đề trong năm, mà chỉ huy các đơn vị, phòng ban cần quán triệt, yêu cầu cán bộ địa bàn phải sâu sát, theo dõi kỹ khu vực, cơ sở mình phụ trách. Khi phát hiện vi phạm, có thể kiểm tra đột xuất, bất ngờ để xử lý quả tang. Như thế vừa kịp thời xử lý vi phạm, vừa nâng cao tính răn đe hơn với cá nhân, tổ chức vi phạm. 
Đại tá TRẦN ĐỨC TÀI 
Phó Giám đốc Công an TPHCM 
Công trình trên 10 tầng cần có tầng lánh nạn, trên 20 tầng cần có bãi đậu trực thăng
Muốn PCCC hiệu quả ở nhà cao tầng, cần phải có giải pháp đồng bộ về hạ tầng, con người, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải thay đổi từ cái đơn giản, cơ bản nhất là ý thức của người dân đến việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại.
Theo tôi, trước mắt cần thiết triển khai nhanh 2 yếu tố. Cụ thể là tăng mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, đưa dân vào ở khi công trình chưa nghiệm thu PCCC của chủ đầu tư. Việc này cần phải làm cương quyết và phải có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều ngành, đặc biệt là chính quyền, chứ chỉ mỗi lực lượng cảnh sát không thì chưa đủ mạnh. Yếu tố thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và PCCC cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Cụ thể là bố trí tầng lánh nạn đối với công trình trên 10 tầng, bãi đậu trực thăng đối với công trình có quy mô từ 20 tầng trở lên. 
Đại tá NGUYỄN VĂN BĂNG 
Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM

Tin cùng chuyên mục