Từ lúc các tuyến đường dẫn đến vòng xoay thông suốt, lượng xe lưu thông qua đây rất lớn. Tuy nhiên, điều bất hợp lý và gây mất an toàn là ngay ở vòng xoay này lại có công trình nhà cao tầng và hàng quán. Khối công trình có quy mô lớn nhất thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm, chiếm quá nửa vòng xoay. Một góc vòng xoay là trụ sở của Ban quản lý Dự án 87 thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm. Phần diện tích còn lại được tận dụng làm quán cà phê giải khát.
Vòng xoay thành trung tâm trưng bày sản phẩm, trụ sở làm việc, quán giải khát, nên thường xuyên có người, phương tiện vào ra. Tài xế qua vòng xoay này hay bị che khuất tầm nhìn, lại phải lo tránh người, phương tiện từ trong vòng xoay băng ra đường bất ngờ, rất dễ xảy ra tai nạn. Nỗi lo tai nạn giao thông càng tăng thêm khi vòng xoay này đang biến thành điểm kinh doanh, khu chứa hàng hóa, người vào ra lấy hàng đông đúc. Những ngày cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng, vòng xoay đã biến thành kho hàng lớn.
Trả lời phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “Việc tồn tại công trình xây dựng, hàng quán giữa vòng xoay là không hợp lý. Tuy nhiên, việc quản lý thuộc UBND quận nên phường không biết được lúc nào các công trình này sẽ di dời”. Phóng viên cũng đã đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch UBND quận 2 Phạm Thanh Khiết và được trả lời: Đến thời điểm này, tổng thể dự án chưa hoàn thành nên chủ đầu tư chưa bàn giao cho địa phương. Vì vậy, các công trình, hàng quán nằm trên vòng xoay vẫn do chủ đầu tư quản lý. Khi nào chủ đầu tư bàn giao, quận mới trực tiếp quản lý và có biện pháp xử lý những công trình mất an toàn giao thông này.
Trên thực tế, vòng xoay Vũ Tông Phan đã đưa vào sử dụng nhiều tháng nay. Vì sự an toàn của người dân, chính quyền địa phương không nên chờ đến lúc chủ đầu tư bàn giao hạ tầng, mà cần di dời công trình, trả mặt không gian thông thoáng cho vòng xoay này.