
Trần Đức Tuấn đã tâm sự với khán giả rằng, sự thôi thúc làm phim tài liệu là do một phần xuất phát từ những giấc mơ… Thực sự đó cũng là những cảm xúc đầy lãng mạn thường xuất hiện trong giấc mơ của hồi thời tuổi trẻ. Đó cũng là những cảm xúc lạ lùng, là hạnh phúc lớn mà anh đã và đang tiếp tục chia sẻ với khán giả qua kịch bản và những lời bình trong phim tài liệu của mình.
Anh kể với chúng tôi: Những ước mơ ấy là do tôi được ông cụ thân sinh truyền lại khi ngâm giảng những địa danh trong thơ Đường, trong truyện Kiều… Vốn văn học Nga, văn học Pháp cũng gợi cho tôi biết bao cảm xúc, khao khát đặt chân đến những vùng đất lạ trong tác phẩm của Victor Hugo, Lev Tolstoi, Gogol…. Có thể nói, cho đến giờ, tôi đã may mắn thực hiện được phần nào những giấc mơ ấy qua những chuyến làm phim.
* PV: Thưa ông, nhân quyển vựng tập “Phim và ảnh Mê Công ký sự” của cố NSND Phạm Khắc vừa ra mắt, với tư cách nhà biên kịch bộ phim và cũng là người viết giới thiệu tập sách khá công phu, xin cho biết đôi nét nhận xét?
* Nhà biên kịch TRẦN ĐỨC TUẤN: Thực sự làm việc với NSND Phạm Khắc chúng tôi cảm thấy gần gũi, dễ dàng trao đổi bàn bạc công việc với nhau. Đối với các đạo diễn trẻ, Phạm Khắc luôn tôn trọng và tạo cơ hội để họ có dịp thi thố tài năng hơn là can thiệp công việc chuyên môn. Chúng tôi cho rằng ông là người “có gan” nhưng cũng khá thận trọng khi “quyết” thực hiện một bộ phim lớn, đầy thử thách khó khăn như Mê Công ký sự. Ông là một nhà quản lý dám nghĩ, dám làm và đã làm thì phải làm cho thành công.
Trần Đức Tuấn quê Nam Định, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp La Habana (Cuba) năm 1971. Về nước, ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam (1971-1974), sau đó nhận công tác ở Đài Phát thanh Mátxcơva (1974-1978). Từ năm 1978 đến 2002, ông gắn bó với công tác biên tập và khá bận rộn với vai trò Trưởng ban Chương trình ở Đài Truyền hình TPHCM. Tác phẩm kịch bản tiêu biểu: Một thoáng Hồng Công, Paris hoa lệ, Cuba vẫn sống (phần 2), Hai bờ đại dương nước Mỹ, Trung Hoa du ký, Những nẻo đường Trung Hoa, Mê Công ký sự, Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác… |
* Bộ phim “Mê Công ký sự” đã thành công, từng đoạt giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam và được đánh giá đã tạo bước đột phá đầy ngoạn mục của dòng phim tài liệu truyền hình Việt Nam, xin ông cho biết thêm kinh nghiệm của nhà biên kịch về dạng phim đầy tính khám phá này?
* Trước khi thực hiện phim Mê Công ký sự là quá trình sưu tầm tư liệu hết sức vất vả. Công việc làm phim đòi hỏi phải có quá trình tích lũy tư liệu chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”.
Đầu tiên, chúng tôi viết đề cương tổng quát. Kế đến, dựa vào lộ trình, chúng tôi phân ra nhiều chuyến đi và viết đề cương chi tiết công phu, cụ thể hơn.
Dạng phim khám phá này, quan trọng là biết tùy cơ ứng biến, thu thập tư liệu, thông tin từ thực tế qua “cái kho câu hỏi” của mình. Chưa hết, phim làm xong, rà soát hình ảnh, viết lời bình, chúng tôi còn phải tìm người đọc lời bình thích hợp với giọng điệu, ý văn…
* Giọng điệu lời bình cũng góp phần lôi cuốn, hấp dẫn của phim, ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm của mình với khán giả?
* Nhiều năm liền làm công tác biên tập, tôi xem đủ loại phim tài liệu trong nước và nhận ra phần lớn phim có lời bình na ná, dễ gây nhàm chán cho người xem. Trong phim, cách khai thác thông tin qua lời bình thường hơi hời hợt, hoặc chỉ thích chải chuốt, hùng hồn. Theo tôi, thứ nhất, lời bình phải là một cách cung cấp các dạng thông tin sự việc, sự vật, địa danh, nhân vật từ quá khứ đến hiện tại; thứ hai, đây là dạng thông tin do chính bản thân người viết cảm nhận, suy nghĩ - thông tin tư duy. Tất nhiên, lời bình ở đây phải thật ngắn gọn. Ví dụ khi đoàn phim Mê Công ký sự qua tỉnh Khai Phong vào ban đêm. Thời gian xe lửa dừng lại khá ngắn, nhưng chúng tôi biết khán giả Việt Nam nhiều người đã biết phủ Khai Phong gắn liền với những câu chuyện xử án của Bao Công. Cho nên, đoàn phim cố gắng tìm một chút hình ảnh dù chỉ là một sân ga hun hút trong ngọn đèn đêm le lói được đánh dấu qua bảng chữ Khai Phong. Tìm hiểu nhanh được một chi tiết rất hay, ngày nay người dân vẫn còn đến đánh trống kêu oan, tôi đã bình thật ngắn về sự khao khát công lý đời nào cũng có.
Bình thật ngắn, nhưng cung cấp được thông tin cần thiết sẽ gây ấn tượng âm vang trong lòng người xem. Văn bình phải có hàm lượng trí tuệ nhưng phải giản dị, dễ hiểu và già dặn. Quan trọng hơn, trong giọng điệu phải có duyên mới có sức thuyết phục người xem theo dõi phim một cách hứng thú.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn (ngồi) và đạo diễn Dư Kim Hoàng đang thực hiện một cảnh quay ở Trung Quốc.
* Vừa qua, cùng ê-kíp làm phim “Hành trình theo chân Bác” được tính theo lộ trình qua 14 quốc gia, cảm xúc của những người làm phim thế nào?
* Làm phim về đề tài Bác Hồ thật là niềm vinh dự đối với chúng tôi. Tất nhiên là có nhiều cái khó khi mỗi bộ phim luôn đòi hỏi phải có tính phát hiện cái mới, không đi vào lối mòn của nhiều người khác. Khai thác phim như thế nào với những dòng vắn tắt của lịch sử?
Trước nay, làm phim về Bác chưa ai có cách tiếp cận để khán giả hình dung con đường đi của Bác hoàn toàn bằng hình ảnh. Chúng tôi chọn cách thể hiện phim theo hành trình dấu chân Bác, với mục đích khơi mào cách hình dung về Bác bằng hình ảnh, và mong khơi dậy trong lòng mọi người hiểu thêm nhiều khía cạnh thật sinh động đã tạo nên nhân cách vĩ đại của Bác. Tìm đến những nơi Bác từng ở và thông qua những người địa phương từng được tiếp xúc với Bác, chúng tôi càng xúc động với biết bao điều hay, thú vị…
* Xin cảm ơn ông
YÊN NGỌC