Chậm trễ giá bồi thường
Kể một câu chuyện của người dân trên địa bàn đã đồng thuận giao mặt bằng nhưng chính sách bồi thường chậm, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Nguyễn Thành Trung nhận định, công tác vận động người dân là vô cùng khó. Trên địa bàn xã hiện đang triển khai cùng lúc 8 dự án có bồi thường. Trong đó, dự án cầu Phước Lộc đã có 53/53 hộ, cầu Giáp Quạ 21/21 hộ thống nhất bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, cầu bắc qua kênh Cây Khô có 38 hộ/47 hộ đã bàn giao đất trước, hiện đang trình thành phố phương án giá.
Ông Nguyễn Thành Trung cho biết, có trường hợp người dân có 6.000m2 đất. Dự án mở rộng đường Nguyễn Bình, hộ dân đã bàn giao 2.000m2, sau này dự án cầu bắc qua kênh Cây Khô ảnh hưởng thêm 4.000m2. Ban đầu gia đình không đồng ý bàn giao, nhưng xã Phước Lộc tới vận động nhiều lần, nói về mong mỏi của người dân địa phương có một cây cầu để đi lại cho đỡ vất vả cực khổ, nên gia đình này đồng ý, với hy vọng 180 ngày sau sẽ có phương án bồi thường, nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa có giá bồi thường.
“Người dân mong muốn được cống hiến, đồng thuận với chủ trương của mình, nhưng trong công tác giải quyết chính sách vẫn còn chậm, từ đó làm chậm tiến độ dự án”, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc đúc kết.
Nói về những khó khăn trong công tác vận động người dân, đồng chí Trần Tấn Tài, Bí thư Chi bộ 2 xã Phước Kiển, chia sẻ câu chuyện một gia đình trong dự án lưới điện Metrocity nhất quyết không bàn giao mặt bằng, với lý do sau khi nhận nền tái định cư không đủ tiền để cất nhà mới.
Nguyên nhân là hộ này có 2/3 diện tích phải giải tỏa không có giấy tờ chứng minh chủ quyền hợp pháp. Hộ này còn dọa phản ứng tiêu cực khi huyện có phương án cưỡng chế. Công tác cưỡng chế phải ngừng lại, chi bộ cử đảng viên có mối quan hệ thân thiết với hộ dân này vận động tỉ tê suốt nhiều ngày tháng. Kết quả, đến nay công tác giải phóng mặt bằng ở dự án này đã đạt 100%.
“Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, với tinh thần nhân văn nhất có thể để có được kết quả này. Sau khi giải tỏa, chúng tôi tiếp tục đồng hành, dõi theo các hộ để hỗ trợ kịp thời”, Bí thư chi bộ Trần Tấn Tài nói.
Vận dụng linh hoạt chính sách
Cũng ở dự án lưới điện Metrocity, đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nhà Bè, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng huyện kể, trước đây sau thời gian dài vận động vẫn còn 12 hộ chưa đồng thuận. Đề xuất cưỡng chế đã được UBND TP phê duyệt, nhưng trong thường trực huyện ủy vẫn còn băn khoăn, nên tổ chức gặp gỡ tiếp xúc lại. Huyện Nhà Bè ngồi lại cùng các ngành chức năng vận dụng linh hoạt các chính sách có lợi nhất cho người dân, nên 12 hộ dân đồng thuận giao mặt bằng mà không cần cưỡng chế.
Từ ví dụ kể trên, đồng chí Phạm Minh Huấn cho rằng, trong vận dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải hết sức linh hoạt, tránh cứng nhắc. Bởi “mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai, không thể vận dụng như nhau trong mọi trường hợp.
Theo đồng chí, lý do mà người dân chưa đồng thuận là giá bồi thường còn bất cập; chính sách tái định cư chưa phù hợp. Đặc biệt, có tình trạng những hộ dân cứ ráng ở lại thì sau này khi chính sách thay đổi lại có lợi, khiến các hộ khác có sự so sánh. Công tác lập hồ sơ bồi thường ban đầu cũng không chặt chẽ, không được chuẩn bị kỹ, dẫn tới người dân có sự so bì, bức xúc.
Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Dương Thế Trung cho hay, trên địa bàn huyện nhiều dự án chậm so với kế hoạch ban đầu, có những dự án kéo dài đến 20 năm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, khiến người dân bức xúc. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, đồng chí Dương Thế Trung cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan là có nơi sợ trách nhiệm, chưa quyết liệt đề xuất giải pháp. Một số lãnh đạo ban đầu còn tiếp xúc với người dân, lâu dần ngại tiếp xúc đối thoại trực tiếp, khiến dân càng bức xúc. Công tác tuyên truyền vận động còn thiếu thuyết phục. Cán bộ đi vận động nhưng không am hiểu pháp luật bằng người dân, khi bị hỏi lại thì không trả lời được.
Theo đồng chí Dương Thế Trung, hiện nay, mật độ đường giao thông trên địa bàn huyện Nhà Bè mới chỉ đạt 4,44km/km2, trong khi nếu là quận thì con số này phải lớn hơn hoặc bằng 10km/km2. Đất cây xanh công cộng, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng cũng phải tăng thêm 2,7 lần so với hiện nay.
“Như vậy, công tác giải phóng mặt bằng trong nhiệm kỳ này vẫn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ban thường vụ huyện ủy, cấp cơ sở cũng phải tham gia cực kỳ quyết liệt”, đồng chí Dương Thế Trung nhấn mạnh.
Khai giá mua bán thấp, người dân thiệt khi xác định giá bồi thường Tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Huyện ủy Nhà Bè với bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở về cách làm, kinh nghiệm vận động nhân dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, diễn ra ngày 23-6, Phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè Trần Phương Tuấn nêu thực tế, nhiều người dân khai giá mua bán rất thấp để né thuế. Điều này, theo ông là “lợi bất cập hại”, vì khi xây dựng giá bồi thường, cơ quan chức năng sẽ tham khảo giá khai trong hợp đồng mua bán, do đó ảnh hưởng đến công tác xác định giá bồi thường phù hợp. Hiện nay, “cố gắng lắm” thì giá bồi thường cũng mới lên được khoảng 60% giá giao dịch thực tế trên thị trường. |