- PHÓNG VIÊN: Bên cạnh yếu tố lăn xả với nghề, theo ông, phóng viên ảnh cần những tố chất gì để làm nghề?
Nhà báo - nhiếp ảnh gia GIẢN THANH SƠN: Theo tôi, phóng viên ảnh cần có sự lăn xả, dám tiếp cận hiện trường để chuyển tải đến người đọc những tin tức và hình ảnh nóng bỏng của vấn đề. Như thế, độc giả mới cảm nhận được sự yêu nghề, khách quan và trung thực. Ảnh báo chí không chỉ chứa đựng thông tin mà còn phải hấp dẫn bởi sự xông pha của phóng viên. Một bức ảnh hay thì hiệu quả truyền thông hữu hiệu hơn ngàn lời nói. Trường hợp bức ảnh Em bé Napan của ký giả Nick Út được trao giải báo chí Pulitzer danh giá, có sức lay động nhất thế giới trong 50 năm qua là một ví dụ.
Ngoài sự thiên phú, sự dấn thân, cùng các yếu tố khác thì kỹ năng tác nghiệp cũng không kém phần quan trọng. Hơn nữa, phóng viên ảnh phải tỉ mẩn trong công việc, thông thạo trong xử lý kỹ thuật máy ảnh.
- Phóng sự ảnh là một thể loại ảnh hấp dẫn nhưng đầy thử thách, ông nghĩ sao về điều này?
Tác phẩm phóng sự ảnh phải vừa mang tính báo chí vừa đạt tới nghệ thuật chớp lấy khoảnh khắc. Phóng sự thường có 5-10 ảnh, hoặc một loạt ảnh, mô tả câu chuyện cụ thể nào đó mà chúng có tính liên kết chặt chẽ với nhau, có khởi đầu, phát triển và kết thúc. Nhìn tổng thể cả bộ ảnh mới hình thành nên một chủ đề, nội dung trọn vẹn của câu chuyện nhằm truyền tải một thông điệp nào đó cho người xem. Điều đó yêu cầu một phóng sự ảnh phải đảm bảo được tính trung thực, không theo ý chủ quan của người thực hiện.
Ngoài ra, dù sử dụng phần mềm xử lý ảnh nhưng không được làm thay đổi các chi tiết ảnh. Phóng sự ảnh là những lát cắt cô đọng, điển hình nhất của câu chuyện, để truyền tải nội dung của chủ đề, dồn nén tâm lý của người xem. Trên cơ bản, các tiêu chí của phóng sự ảnh phải có những nét gần giống như ảnh đơn nghệ thuật. Cái độc đáo nữa là việc đặt tên cho phóng sự ảnh cần đảm bảo thật súc tích, hướng người xem nhanh chóng nắm bắt nội dung, gợi mở cảm xúc, tình cảm và định hướng nhận thức một cách nhanh chóng, chính xác.
Qua một phóng sự ảnh, người xem nhận biết được quan điểm rõ ràng của người thực hiện. Người xem còn thấy được sự dấn thân và bám sát hơi thở của đời sống, cộng với kinh nghiệm làm nghề của tác giả. Ở đó còn là nét đẹp tâm hồn, hay nói cách khác là cảm xúc nhân văn mà tác giả có được. Từ đó mới tạo được sự cộng hưởng và tương tác mạnh mẽ giữa người sáng tạo và người cảm thụ, nhằm nâng tầm giá trị chân - thiện - mỹ.
- Theo ông, để nâng cao chất lượng ảnh báo chí cần phải làm gì?
Khi chuyển dữ liệu ảnh về tòa soạn, trước hết phóng viên cần kiểm tra độ phân giải từng file và thông tin về ảnh. Hãy bỏ thói quen nộp ảnh minh họa cho bài viết của phóng viên. Ảnh báo chí phải có tính thời sự và độc lập.
Tôi hy vọng, sắp tới từng tòa soạn sẽ giao cho phóng viên ảnh hay người phụ trách bộ phận ảnh được toàn quyền quyết định những sản phẩm của họ trên báo. Người trực xuất bản hay người biên tập phải xem những bức ảnh này là một tác phẩm ngang giá trị với một bài hay một tin. Để có một phóng sự ảnh mang dấu ấn, người trực xuất bản hay người biên tập phải có cái nhìn chuyên nghiệp như mạnh dạn sử dụng ảnh độc lập trên từng trang báo hay theo từng sự kiện, liên kết những bài viết và ảnh phải là một điểm nhấn trên trang báo nhằm chuyển tải đến bạn đọc một hàm lượng thông tin phong phú và chân thực.
Để làm được điều đó, tôi nghĩ, người làm công tác xuất bản, biên tập viên hay họa sĩ trình bày không nên dùng ảnh báo chí cho mục đích minh họa mà phải hiểu được hết giá trị của ảnh báo chí như thế nào, thì những hình ảnh của phóng viên mới được sử dụng đúng mức và có hiệu quả.
- Khó nhất vẫn là việc chụp ảnh chính khách. Theo ông, làm cách nào để chụp được những bức ảnh chính khách đẹp và có ý nghĩa nhất?
Hình ảnh của chính khách hay chính trị gia luôn là một trong những câu chuyện nghề nghiệp hấp dẫn của phóng viên ảnh.
Để có những bức ảnh đẹp về chính khách, nói chung vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Ghi lại được những khoảnh khắc đẹp của chính khách trong các sự kiện chính trị - ngoại giao là một cơ hội vô cùng hiếm hoi, bởi phụ thuộc vào rào cản an ninh. Tôi khuyên đồng nghiệp nên chủ động có mặt trước tại các sự kiện xảy ra và tranh thủ lợi thế của mình để tác nghiệp. Phải biết phán đoán sự di chuyển của nhân vật chính tại sự kiện. Tốt hơn hết là lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn cho mình mọi tình huống có thể xảy ra trong khi tác nghiệp. Việc chớp lấy được khoảnh khắc đẹp là một yếu tố cần được quan tâm. Nó không chỉ cho ta sản phẩm ưng ý mà còn là sự tôn vinh hình ảnh nhân vật, lột tả được thần sắc, cá tính và phong cách của chính khách. Nói chung, phóng viên ảnh có sự kiên nhẫn và chờ đợi đến tận cùng của sự kiện mới có những bức ảnh “đinh”.
- Với kinh nghiệm của người đi trước, ông có lời khuyên gì cho những phóng viên ảnh trẻ?
Tôi rất thích những đồng nghiệp trẻ năng nổ, nhiệt huyết, có sản phẩm cống hiến thực thụ cho xã hội. Tôi muốn nói rằng, để sống được với nghề lâu dài, mong đồng nghiệp trẻ chịu khó học hỏi, làm việc tận tâm, yêu công việc mình đang làm. Phải chấp nhận sự dấn thân, bền bỉ để có thể đạt những thành tựu nghề nghiệp…
Hãy quan tâm về con người, tò mò về thế giới xung quanh ta và hãy khám phá nó bằng cái tâm thiện lành.