Tác phẩm Chúng tôi - Một thời mũ rơm, mũ cối viết về cuộc sống của những cô bé, cậu bé sống tại khu nhà tập thể báo Nhân Dân (ở ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội), trong đó có anh, một cậu bé nghịch ngợm, lém lỉnh, có nhiều tài lẻ, hay “đầu têu” trong các trò chơi trẻ thơ. Có lẽ nhờ lớn lên trong gia đình có cha mẹ làm báo và trong tập thể môi trường làm báo, nên ngay từ nhỏ, anh đã sớm có thiên bẩm là nhà báo. Sau này, khi làm báo Huỳnh Dũng Nhân được xem là “cây phóng sự” nổi tiếng của làng báo Việt Nam.
Với tài năng viết văn, viết báo khá điêu luyện, tác giả Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ nên bức tranh sinh động về tuổi thơ đầy gian nan, vất vả nhưng vô cùng lạc quan yêu đời của những Em bé Hà Nội (tên bộ phim nổi tiếng của Việt Nam). Tuy còn nhỏ nhưng các em đã sớm phải xa cha mẹ đi sơ tán để tránh bom B52 của đế quốc Mỹ suốt 8 năm trời từ năm 1965 - 1973. Ngày ấy, “vật bất ly thân” của các em khi đi học là chiếc mũ rơm để mỗi khi có báo động là đội mũ rơm chạy xuống hầm chữ A trú ẩn. Gian khổ là thế nhưng ai cũng học giỏi, chăm ngoan và đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Năm tháng gian khổ rồi cũng qua đi, những cô bé, cậu bé lớn lên thành những chàng trai, cô gái 18 tuổi, họ tạm xa chiếc mũ rơm in dấu tuổi thơ để đi bộ đội vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Chiếc mũ rơm được thay bằng chiếc mũ cối hùng dũng hơn, trưởng thành hơn…
Có nhiều người đã hy sinh anh dũng, vĩnh viễn nằm lại các chiến trường, có người cho tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những người bạn còn may mắn sống cho tới ngày miền Nam giải phóng thì tiếp tục cống hiến tài năng, công sức xây dựng đất nước và trở thành những sĩ quan quân đội, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, trí thức… nổi tiếng trên các lĩnh vực. Không hiểu sao ngày ấy gian khổ, khắc nghiệt là thế nhưng phần lớn đều học giỏi, ngoan ngoãn và lớn lên trở thành người tử tế.
Đọc tác phẩm dày hơn 340 trang do NXB Tổng hợp in ấn và phát hành với lời giới thiệu tâm huyết của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, cùng với bài viết của các nhà văn, nhà báo như: Châu La Việt, Huỳnh Dũng Nhi…, điều đọng lại trong người đọc là tinh thần lạc quan, yêu đời của thế hệ trẻ thời chiến tranh gian khổ nhưng đầy ắp tình người. Đoạn gây xúc động lớn nhất là lần Bác Hồ về chúc tết mọi người trong khu tập thể báo Nhân dân. Nghe tin Bác về, từ trẻ đến già ai cũng náo nức được gặp Bác. Bác đi tới đâu là như tiếp thêm nguồn năng lượng mới cho mọi người để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rồi đoạn viết về ngày Bác mất năm 1969 cũng khiến “Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”, làm tim ta như thắt lại.
Với Chúng tôi - Một thời mũ rơm, mũ cối, những ai thuộc thế hệ 5X, 6X đều chung cảm xúc vui, buồn với tác giả. Bởi cuộc sống của mọi người trong khu tập thể báo Nhân dân cũng chính là cuộc sống của nhiều khu tập thể khác tại Hà Nội lúc bấy giờ. Là đồng nghiệp của anh Huỳnh Dũng Nhân, từ lâu tôi đã ngưỡng mộ một cây viết tài năng như anh. Anh viết rất khỏe và đi đâu và ở đâu anh cũng quan sát để viết. Anh đã viết nhiều tác phẩm phóng sự nổi tiếng như: Ba hồi chuông, Ăn tết trong rừng chó sói, Ký sự xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Những người đi trong gió… Bằng ánh mắt và góc nhìn trẻ thơ, anh cho ra đời các tác phẩm thiếu nhi như: Nối dây cho diều, Những vòng sóng, Kỷ niệm ngày sinh, Kể về một tài năng… Ngoài ra, anh còn làm thơ với các tác phẩm như: Dã quỳ tím, Ký ức chao nghiêng, Tự tình với Facebook…
Sau khi nghỉ hưu, anh tiếp tục thỉnh giảng ở các trường đại học và truyền nghề viết phóng sự cho các thế hệ làm báo trẻ. Anh đã viết và xuất bản các giáo trình như: Để viết phóng sự thành công, Phóng sự từ giảng đường đến trang viết… Anh cũng đang ấp ủ nhiều dự định sẽ cho ra mắt những tác phẩm mới góp phần làm đẹp cho đời.