Xu hướng của tương lai
Theo các chuyên gia, bán hàng offline (bán trực tiếp) hiện đang gặp không ít khó khăn. Điển hình là ở TPHCM, làn sóng trả mặt bằng đang diễn ra mạnh mẽ bởi người bán không tiếp cận được người mua.
Chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề “Cơ hội mới cùng kênh mua sắm giải trí trực tuyến” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức gần đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, việc nhiều nơi ở TPHCM xuất hiện làn sóng trả mặt bằng, bán buôn ế ẩm có nguyên nhân do sự cạnh tranh của các kênh thương mại điện tử, các hình thức bán hàng hiện đại.
Theo ông Vũ, doanh số bán hàng qua các kênh thương mại điện tử đã tăng ấn tượng thời gian qua và cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có hướng đi khác biệt cho từng nhóm đối tượng để có thể kinh doanh hiệu quả. Thực tế, trước áp lực kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các nhà bán hàng, doanh nghiệp sản xuất phải thích ứng với hình thức mới.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kido, chia sẻ rằng, thời gian qua, tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tiểu thương bế tắc đầu ra, ế ẩm. Trong khi xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ - cụ thể là qua TikTok, người tiêu dùng vừa giải trí vừa mua sắm. Trước thực tế này, Kido đã kết hợp với TikTok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số.
Ngay như chợ Bến Thành - một ngôi chợ du lịch nổi tiếng cả trăm năm tuổi ở TPHCM - gần đây dưới sức ép cạnh tranh cũng đang phải từng bước thay đổi, thích ứng với xu hướng bán hàng mới mẻ này. Điển hình là mới đây nhiều tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) đã quá tải đơn hàng, thậm chí phải từ chối nhận đơn hàng vì lượng đặt mua tăng đột biến sau các buổi livestream. Tổng cộng, qua 77 phiên livestream của các KOL, KOC tại chợ Bến Thành đã mang về 18.200 đơn hàng với doanh thu 4,2 tỷ đồng cho các tiểu thương.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành (CEO) của Meet More - thương hiệu thực hiện livestream bán hàng tại chợ Bến Thành, cho biết, trong 3 ngày tại chợ Bến Thành, Meet More đã thực hiện 11 phiên livestream, tiếp cận 5,9 triệu lượt khách hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm tới 124.800 người vào xem. Trung bình mỗi buổi livestream, nhãn hàng này bán được 500 đơn hàng. “Các sản phẩm của Meet More được người tiêu dùng quan tâm, trong đó có nhiều khách nước ngoài tham gia xem trực tiếp và đặt mua hàng của chúng tôi”, ông Luận cho biết.
Ngành bán lẻ nhập cuộc
Mô hình livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện từ năm 2018, song phải đến năm 2022 mới phổ biến và được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, xu hướng chốt đơn qua các phiên livestream ngày càng nở rộ với rất nhiều người dùng mạng xã hội. Trước sự “bùng nổ” của hình thức livestream bán hàng, nhà bán lẻ Saigon Co.op gần đây cũng nhập cuộc với nhiều hoạt động cho mùa tết này.
Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết, trong khuôn khổ chương trình “Đến Co.op chở tết về”, bên cạnh tổ chức các điểm bán trực tiếp tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife), Saigon Co.op đồng thực hiện hàng loạt chương trình mua sắm online với nhiều hoạt động đa dạng, ưu đãi hấp dẫn, bắt nhịp xu hướng Gen Z.
Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, trên website Co.op online (https:// cooponline.vn/) và ứng dụng Saigon Co.op trên các thiết bị di động, người dùng sẽ được thỏa thích tham gia các mini game để săn E-voucher giảm giá đến 200.000 đồng, giải trí cùng các video hướng dẫn nấu ăn, chia sẻ mẹo hay ngày tết…
Chương trình giao giỏ quà tết miễn phí trên toàn quốc của Saigon Co.op “Gắn kết tình thân tết xa thêm gần” cũng được tổ chức trên nền tảng website Co.op online. Đáng chú ý, trên website và ứng dụng Saigon Co.op sẽ có 8 phiên livestream theo từng giai đoạn, tung 5.000 deal mua sắm tết tiết kiệm, trực tiếp giải đáp cho khách hàng về sản phẩm, hướng dẫn nấu ăn, chia sẻ mẹo hay ngày tết…
Trước đó, nhiều khách hàng trẻ ở TPHCM đã mua được rất nhiều vật dụng trang trí, thực phẩm, đồ uống để chuẩn bị cho một buổi tiệc Giáng sinh ấm cúng sau khi xem livestream trên fanpage Co.opmart. Chính vì thế, nhà bán lẻ Saigon Co.op kỳ vọng rằng, thông qua việc mở các phiên livestream theo từng giai đoạn dịp tết sẽ giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc mua sắm cuối năm.
Mua sắm an toàn trước làn sóng lừa đảo gia tăng
Theo báo cáo của Công ty An ninh mạng toàn cầu Kaspersky, các nền tảng thương mại điện tử là đối tượng của hơn 13,3 triệu cuộc tấn công an ninh mạng trong 10 tháng đầu năm 2023. Con số này chiếm 43,5% tổng số cuộc tấn công lừa đảo nhắm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến trên toàn cầu, và được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa mua sắm cuối năm.
Ngoài các kỹ thuật tấn công điển hình như lừa người dùng truy cập các trang web lừa đảo bằng cách lợi dụng tâm lý mua hàng giá rẻ để nhận thưởng, giả mạo tin nhắn, gọi điện cho họ để thông báo về việc mất hàng và trao đổi thông tin cá nhân để tìm gói hàng bị thất lạc.
Trước những mối đe dọa nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin tưởng bất kỳ liên kết, tệp đính kèm nào nhận được qua email. Trước khi điền bất kỳ thông tin nào cần kiểm tra cẩn thận lỗi chính tả, lỗi thiết kế trang web và đường dẫn URL của cửa hàng điện tử.
Đặc biệt, để bảo vệ an toàn tối đa cho tài khoản ngân hàng, người dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng với hạn mức thấp hoặc giảm hạn mức tín dụng dựa trên xu hướng chi tiêu.
NGỌC AN