Áp lực thay đổi từ xu thế thị trường
Ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến nhiều thay đổi trên thương trường, đặc biệt là sự xuất hiện và ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng kỹ thuật số. Đứng trước thách thức, các doanh nghiệp phải chuyển mình liên tục để đón đầu và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là một điển hình.
Chia sẻ về những áp lực cạnh tranh trong kinh doanh cũng như sự dịch chuyển của mô hình kinh doanh hợp tác xã tại Saigon Co.op ở tập 3 talk show “The Next Power” mới đây, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, khi thị trường bán lẻ thay đổi, Saigon Co.op buộc phải nhìn lại chính mình và có những thay đổi kịp thời.
Ông Nguyễn Anh Đức chỉ ra 3 thay đổi lớn của thị trường bán lẻ Việt: thứ nhất, thị trường bán lẻ hiện đại có sự gia tăng nhanh chóng 10 năm trở lại đây. Bán lẻ hiện đại đã đạt tỷ lệ 25-28% (trước đây chỉ 10%), bán lẻ truyền thống (chợ, nhà phân phối, cửa hàng tạp hóa) chiếm khoảng 75-78% (trước đây là 90%). Thứ hai, thị trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt và nhiều “tay chơi” đã phải dời thị trường hoặc “đổi chủ”, kể cả doanh nghiệp ngoại, nhưng hiếm hoi Saigon Co.op vẫn trụ vững. Thứ ba, đó là sự thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ (thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiền mặt và sự xuất hiện nhiều sàn thương mại trực tuyến)… đã tác động, làm thay đổi sâu sắc ngành bán lẻ, buộc Saigon Co.op phải thay đổi.
Đổi mới nhưng vẫn giữ chất riêng
Những thay đổi ở Saigon Co.op theo ông Nguyễn Anh Đức gồm: đi sâu tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền, từ đó đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Cùng với đó, trước làn sóng kỹ thuật số đang bùng nổ, Saigon Co.op cũng tạo cho khách hàng trải nghiệm mua sắm dễ dàng như: khách hàng trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ cửa hàng trực tuyến.
Đặc biệt, để đón đầu những biến chuyển không ngừng của thị trường, hệ sinh thái hợp tác xã của Saigon Co.op cũng liên tục thay đổi. Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động có sự biến động mạnh, nhiều lao động nghỉ việc để làm nghề tự do, Saigon Co.op đã có sự điều chỉnh nhất định để thích ứng với những biến động đó. Đó là chăm lo cho người lao động để họ có sự gắn kết với doanh nghiệp, giúp người lao động hiểu được những giá trị truyền thống và giá trị thị trường để phát triển.
Nhìn vào cơ cấu hàng hóa cũng như các mô hình kinh doanh hiện nay của Saigon Co.op có thể thấy được nhà bán lẻ này rất nỗ lực chuyển mình. Theo đó, Saigon Co.op hiện đang sở hữu hơn 10 mô hình bán lẻ từ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng, tạp hóa… cho tới thương mại điện tử.
Đáng chú ý, trên nền tảng kinh tế tập thể, Saigon Co.op đã kết hợp với cách vận hành linh hoạt, năng động theo nhu cầu của kinh tế thị trường, xem khách hàng là trọng tâm với tinh thần cầu thị, cập nhật xu hướng bán lẻ quốc tế đã từng bước thay đổi diện mạo nhà bán lẻ Việt: trẻ trung hơn, năng động hơn, hiện đại hơn và chuyên nghiệp hơn từ khâu quản trị, logistics đến tổ chức không gian mua sắm, dịch vụ khách hàng...
Bên cạnh đó, sự xông xáo trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng, kết nối tiêu thụ hàng Việt, tích cực hỗ trợ đầu ra cho hàng loạt nông sản đã giúp Saigon Co.op chiếm trọn sự tín nhiệm của người tiêu dùng và nhà sản xuất, đồng thời giữ vững vị thế trên thị trường.
Mô hình kinh doanh hợp tác xã tưởng chừng rất cũ kỹ khi xuất hiện từ thế kỷ 18, nhưng đến nay, mô hình này vẫn có sự phát triển mạnh ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong đó có thể kể đến các tập đoàn lớn như Tập đoàn Credit Agricole của Pháp, Tập đoàn REWE của Đức... Tại Việt Nam, Saigon Co.op là một doanh nghiệp điển hình khi trải qua quá trình tồn tại và phát triển dài (33 năm), và đến nay doanh nghiệp vẫn giữ được vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu. |