“Vị học giả, nhà bách khoa cuối cùng của một thế hệ đã ra đi”. Quả thật, từ khi thầy Phan Ngọc bắt đầu già yếu, tôi đã nghĩ tới ngày trí tuệ uyên bác, sự tinh thông trên nhiều lĩnh vực của thầy không còn nữa, và tiếc nuối vô cùng. Vì đến hiện tại, bằng tự học, có mấy ai tích lũy được lượng tri thức khổng lồ, thông thạo hàng chục ngoại ngữ như ông; mấy ai thuộc hàng ngàn bài thơ Đường; mấy ai có thể hoàn thành bản thảo như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều từ năm 1965, 20 năm sau mới xuất bản, và đến hôm nay, cuốn sách vẫn “tồn tại như một thách thức” (nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn); và mấy ai dịch Mỹ học Hegel từ tiếng Đức; Spartacus từ tiếng Ý; Chiến tranh và hòa bình từ tiếng Nga; David Copperfield và Trần trụi giữa bầy sói từ tiếng Anh; Sử ký Tư Mã Thiên, Chuyện làng Nho, Hàn Phi Tử từ tiếng Hán… Tôi viết không phải để ca tụng ông, vì tự thân các công trình nghiên cứu, tác phẩm mà ông dịch và xuất bản, đủ để chứng minh.
“Cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết), đó là điều PGS Phan Ngọc xác định khi nghiên cứu khoa học. Nhớ lần tôi hỏi thầy về bản dịch Triết học Descartes, ông không nhận xét, chỉ nói: “Tôi đọc nguyên bản rồi nên không để ý. Mà tiếng Pháp thời Descartes là tiếng Latinh nói giọng “bồi”, muốn dịch tốt cần cả từ điển Pháp, từ điển Latinh”.
Lần khác, biết ở Viện Tôn giáo có buổi thuyết trình của một người Pháp, tôi đến nghe. Nhìn lên thấy thầy ngồi cạnh ông người Pháp nọ để phiên dịch. Lúc giải lao, tôi tò mò hỏi sao thầy phiên dịch.
Ông bảo: “Phải hiểu biết chuyên ngành mới dịch tốt được. Lâu lâu cũng cần nói chuyện với người Pháp để khỏi quên”. Điều thầy nói khiến tôi nhớ, nhiều lần qua nhà, thấy thầy chia trang giấy thành hai, một bên viết tiếng Anh, một bên viết tiếng Việt, thầy bảo lúc rỗi phải ôn luyện mới nhuần nhuyễn.
“Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận (prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ”. Điều thoạt nghe đơn giản, nhưng thực hiện không dễ. Vì phải đạt trình độ trí tuệ cao, có khả năng khái quát được bản chất vấn đề mới lý giải được tại sao người ta lại suy nghĩ như thế. Nên muốn hiểu PGS Phan Ngọc, cần tiếp cận từ góc nhìn của ông, nếu chưa nắm bắt được cách thức nghiên cứu, chưa hiểu điều ông muốn hướng đến thì một số ý kiến của ông có thể sẽ khác biệt so với một số kết luận như đã mặc định.
Con đường khoa học đầy chông gai vì phải khám phá, phát hiện, phải tìm ra các yếu tố hữu ích cho cả hiện tại và tương lai, đặc biệt là dám vượt qua điều đã có. PGS Phan Ngọc là người như vậy, đó là cơ sở để khẳng định ông có vị trí riêng trong khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam thế kỷ XX. Sống cuộc đời giản dị, không màng danh lợi, luôn tâm niệm: “Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi”, đó là con người PGS Phan Ngọc.
Phẩm cách đó giúp lý giải tại sao vào những năm còn khó khăn, được mời giảng dạy ở một trường đại học nước ngoài, vì trọng tài năng của ông, người ta rỉ tai bà Kim Tuyến (vợ ông), khuyên ông ở lại, họ sẽ lo đầy đủ, nhưng ông từ chối, ông bảo: “Tổ quốc của tôi là Việt Nam, đi đâu tôi cũng phải trở về với Tổ quốc”.
PGS Phan Ngọc bút danh Nhữ Thành, sinh ngày 10-10-1925, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa và ngôn ngữ của Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông là dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng: Chiến tranh và Hòa bình (cùng GS Cao Xuân Hạo), Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, Trần trụi giữa bầy sói, Thượng kinh ký sự... Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước. Sau một thời gian bệnh nặng, PGS Phan Ngọc đã qua đời lúc 20 giờ 40 ngày 26-8, tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ tang của PGS Phan Ngọc diễn ra vào sáng 1-9 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội). |